Sốt iPad trên thị trường toàn cầu

iPad, sản phẩm máy tính dạng bảng của Hãng Apple, đã thật sự làm mưa làm gió sau hai ngày được tung ra thị trường thế giới.

Người tiêu dùng từ châu Âu đến châu Á đã hào hứng chờ đợi. Và nay ở nhiều nơi như Tokyo, họ đã xếp hàng cả đêm bên ngoài các cửa hàng của Apple để mong được sở hữu chiếc iPad đầu tiên. “Tôi muốn chạm được nó càng sớm càng tốt, thật hào hứng khi cuối cùng tôi đã cầm được nó trên tay” - Takechiyo Yamanaka, 19 tuổi, đã cắm trại ngoài một cửa hàng của Apple ở Tokyo từ tối 26-5 để chờ mua iPad.


Khách hàng hóa trang thành chiếc iPad trong lúc xếp hàng đợi mua
sản phẩm này ở Tokyo ngày 28-5 (Ảnh:Reuters)

Tại Hong Kong, nhiều người đứng chờ trước tiệm Apple từ 3 giờ sáng và sẵn sàng bỏ ra từ 600-1.000 USD để sở hữu một chiếc iPad dù tình hình kinh tế vẫn còn khó khăn. Cơn sốt iPad diễn ra tương tự ở các nước khác. Sản phẩm này hiện được bán ở Đức, Pháp, Ý, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha, Anh, Nhật, Úc và Canada.

Trước cơn sốt iPad, giám đốc điều hành của Apple Tim Cook cho biết bản thân họ cũng bất ngờ trước nhu cầu quá lớn của thị trường, buộc hãng phải khẩn cấp tăng sản xuất. Hiện nay thị trường tiêu thụ iPad ở Mỹ và một số nơi trên thế giới vẫn đang “cháy” hàng.

Theo ước tính, sẽ có khoảng 1,7 triệu chiếc máy tính dạng bảng này được tiêu thụ từ tháng 4 đến tháng 6-2010. Với sức mua hiện nay, Công ty nghiên cứu thị trường RBC Capital Markets dự đoán tổng số iPad được bán ra toàn cầu sẽ đạt 8,13 triệu chiếc vào cuối năm 2010, và doanh thu đạt được ít nhất khoảng 4 tỉ USD. iPad đã đạt mức kỷ lục 1 triệu chiếc sau một tháng được tung ra ở thị trường Mỹ từ ngày 3-4.

Được thiết kế màn hình màu cảm ứng 9,7 inch, có tính năng lướt web vượt trội, xem phim, chơi game và đọc sách điện tử cộng với giá bán ở thị trường quốc tế không chênh lệch nhiều so với thị trường Mỹ, iPad đã thu hút người tiêu dùng ồ ạt đến với sản phẩm này. Giá thấp nhất cho một chiếc iPad ở Mỹ là 499 USD và 617 USD ở Anh.

Tại sao Steve Jobs hầu như luôn thắng?

Trước cơn sốt iPad, báo The Guardian ngày 28-5 có bài viết giải thích vì sao Steve Jobs hầu như luôn thắng khi tung ra các sản phẩm của mình: “làm thay đổi thế giới của chúng ta” như báo Fortune tháng 11-2009 đã nhận định khi bình chọn ông là “ông chủ của thập niên”.

Báo này viết: để thật sự tạo nên cuộc cách mạng trong cuộc sống của chúng ta, phát minh này của Apple phải là máy đọc điện tử tốt nhất trong số các máy đọc điện tử cùng loại: nó phải cho chúng ta xem phim một cách khác hơn, chơi trò chơi điện tử một cách khác hơn. Và ở đây, câu hỏi vẫn còn được đặt ra: sản phẩm này khác với máy tính xách tay truyền thống là gì ngoài chuyện giá bán cao hơn và không có bàn phím? Nói cho cùng, chẳng phải bản thân các hãng Lenovo, Asus và Apple cũng đều đang chế tạo các máy tính xách tay siêu mỏng và nhẹ đến mức đủ để bỏ vào một bao thư lớn đó sao?


Trong tàu điện ngầm ở New York: thói quen đọc đang thay đổi từ khi có iPhone (Ảnh: CI)

Nhưng đừng đánh giá thấp mẫu số chung trong các sản phẩm của Apple: hầu như lúc nào cũng thế, các sản phẩm này luôn nắm bắt một ý tưởng đã có và thực hiện đến cùng ý tưởng đó một cách khác biệt. iPod, iPhone và iMac, tất cả đều là các sản phẩm được cải tiến mà rồi buộc phần sản phẩm còn lại của lĩnh vực điện tử này phải xếp hàng quy phục theo sự quy chiếu mới này.

Lấy thí dụ như iPod. Tháng 10-2001, Apple không phải là hãng đầu tiên trên thị trường tung ra máy đọc MP3. Nhưng như lời Ian Fogg - nhà phân tích sản phẩm của công ty Forrester Research, Apple đã làm đảo lộn mọi chuyện khi đưa ra một máy đọc nhỏ hơn, có dung lượng lớn hơn. Cuộc cách mạng thật sự chỉ diễn ra với màn hình cảm ứng, khi người ta có thể dùng ngón tay để lướt tìm thay vì phải dùng đến bàn phím điều khiển. Nhờ vậy, iPod gọn gàng hơn và trở nên quá đỗi cần thiết đến mức nó đã vươn lên xếp đầu bảng chỉ trong một thời gian rất ngắn.

iPhone cũng thế. Nó không phải là “điện thoại thông minh” (smartphone) đầu tiên, cho phép gửi thư điện tử và lướt Internet. Ian Fogg nhắc lại: “Các công cụ như thế đã xuất hiện từ 8-9 năm trước. Thế nhưng, iPhone lại cho phép chúng ta làm mọi chuyện theo cách khác biệt”. Nó thật sự trở thành máy tính bỏ túi nhờ các chi tiết nho nhỏ, như bấm hai lần để phóng to chữ hay hình ảnh, đến mức tạo nên một cuộc cách mạng thật sự, đó là chưa kể đến vô số ứng dụng mới độc đáo của nó.

Tháng 11-2001, Bill Gates - đối thủ của Steve Jobs - đã tung ra máy Tablet (máy tính bảng) và ông tự hào nói: “Tôi đã sử dụng máy Tablet (Microsoft) như máy vi tính hằng ngày. Đây một máy vi tính có những khả năng vô hạn”. Bill Gates còn đưa ra một dự đoán khiêm tốn: “Trong năm năm nữa, máy Tablet sẽ trở nên thông dụng nhất nước Mỹ”. Ông đã lầm. Hiện nay máy Tablet chỉ chiếm 1% thị trường máy tính, vì nó cồng kềnh và đắt tiền hơn (đắt hơn 20% so với máy tính xách tay tương đương khác).

Steve Jobs đang có nhiều con chủ bài trong tay, nhất là màn hình cảm ứng và màn hình rẻ tiền. Đĩa CD và DVD buộc chúng ta sử dụng các máy khác nhau để xem phim và nghe nhạc. Nhưng sự thành công kết hợp của iPad có thể chấm dứt sự phân chia này. Mark Mulligan, nhà phân tích phương tiện truyền thông của Công ty Forrester Research, giải thích: “Ở thời đại đa chức năng, máy của Apple có thể tổng hợp các máy đọc kỹ thuật số khác nhau”.

Thứ Hai, 31/05/2010 09:00
31 👨 206
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp