Ống kính hàng nghìn USD nói lên điều gì?

Ống kính tiêu cự 300 mm mới của Nikon dành cho giới chuyên nghiệp với giá tới hàng nghìn USD cho thấy một phân khúc nào đó của thị trường này vẫn ổn định.

Ống kính tiêu cự 300 mm, f2.8 mới của Nikon. Ảnh: Flickr.

Mặc dù thị trường máy bị ảnh hưởng không ít bởi những cuộc cách mạng nhiếp ảnh, nhưng với sự ra mắt của ống kính tele mới 300 mm dành cho giới chuyên nghiệp của Nikon, giá lên tới 5.900 USD, mới thấy rằng ít nhất một phân khúc nào đó của thị trường vẫn luôn giữ được sự ổn định bất chấp các phân khúc khác biến động hàng ngày.

Nhiếp ảnh số đã tự hào qua mặt ảnh phim vì rất nhiều lý do. Cảm biến ảnh mới giờ đây đã cho phép chụp trong cả những điều kiện rất tối, đồng thời lại hỗ trợ cả quay phim. Rồi với khả năng đánh dấu vùng địa lý đang chụp, máy ảnh có thể ghi lại không chỉ ảnh được ghi vào thời gian nào, mà còn là ở đâu. Thêm vào đó là sự tiện dụng có thể đẩy ảnh lên Internet nhanh chóng hay chỉnh sửa bằng các phần mềm chuyên dụng. Đó là chưa kể công nghệ máy tính cũng đã được ứng dụng vào máy ảnh như nhận dạng chớp mat hay nhận dạng nụ cười.

Không thể không kể đến một công nghệ quan trọng khác là tính năng chống rung. Các ống kính cao cấp với những thiết kế quang học vô cùng phức tạp với giá cả ngất ngưởng chính là đại diện cho công nghệ này.

Rất nhiều người chụp DSLR không đầu tư quá nhiều ngoài chiếc ống kit đi kèm máy với tiêu cự 18-55 mm, đủ cho các hoạt động trong nhà và ngoài trời thông thường. Những người muốn chụp xa hơn một chút, cũng chỉ cần bỏ ra khoảng vài trăm USD là có thể tậu được những ống tiêu cự từ 200-250 mm.

Vậy mà ống kính tiêu cự 300 mm mới của Nikon lại có giá tới cả vài ngàn USD.


Ống kính tiêu cự mới của Nikon mang hàng loạt công nghệ tiên tiến mà chỉ khi chụp trong điều kiện khắc nghiệt, người chụp mới có thể cảm nhận được sự khác biệt. Ảnh: Digiscoped.

Đằng sau ống kính mới của Nikon là gì? Là hàng loạt công nghệ tiên tiến mà chỉ khi chụp trong những điều kiện khắc nghiệt, người chụp mới có thể cảm nhận được sự khác biệt. Một trong số đó phải kể đến đó là tốc độ.

Ống kính bình dân thường có độ mở không quá f/5,6 ở zoom toàn phần, vì thế, khó có thể chụp các hoạt cảnh trong điều kiện thiếu sáng. Độ mở càng nhỏ, ánh sáng càng vào nhiều, vì thế, ống AF-S Nikkor 300 mm F2.8G ED VR II với độ mở xuống tận f/2,8 cho thấy, ống này có thể chụp với tốc độ nhanh gấp 4 lần so với ống f/5,6 thông thường.

Ống được thiết kế hướng tới những phóng viên thể thao, những người muốn chụp cận cảnh một cầu thủ nào đó từ đầu sân này tới đầu sân kia. Đối với họ, tốc độ 1/500 khác xa nhiều so với 1/2.000. Thêm vào đó, để hỗ trợ ánh sáng vào nhiều hơn, các thấu kính phải to hơn, từ đó chi phí chế tạo cũng ngày một đắt đỏ.

Các ống kính này cũng có xu hướng to hơn về kích thước để hỗ trợ những máy DSLR cao cấp full-frame đang ngày một nhiều. Hầu hết các máy DSLR đều có cảm biến nhỏ, đặc biệt là dòng entry-level nên chỉ cần những ống kính nhỏ cho phù hợp hơn.


Ảnh chụp thử bằng ống kính tiêu cự 300 mm f/2.8 của Nikon. (Click vào để xem hình lớn).
Ảnh: Digiscoped.

Câu hỏi đặt ra là, liệu có nên đầu tư quá nhiều vào ống kính tốc độ nhanh trong khi có thể bù sáng bằng ISO trên các ống mở f/4 hay f/5,6. Rất nhiều máy ảnh đời mới hiện nay như Nikon D3s cho phép chỉnh ISO lên tới 102.400 và các phần mềm mới đang ngày càng khử nhiễu, hạt gây ra bởi ISO tốt hơn.

Đúng là người chụp có thể bù ISO trên các ống kính chậm thay vì đầu tư một ống kính nhanh. Nhưng giải pháp này không phải là không có hậu quả của nó.

Thứ nhất, các hệ thống tự động lấy nét ngày nay trên các máy DSLR hoạt động tốt hơn với các ống có độ mở rộng. Độ mở rộng làm cho trường nét hẹp hơn, vì thế, hình ảnh hậu cảnh sẽ bị xóa nhòa, làm nổi bật đối tượng tiền cảnh. Về cơ bản, với độ mở rộng, người chụp sẽ vẫn có thể chụp được tốc độ cao trong những điều kiện ánh sáng yếu.

Một yếu tố khác không kém phần quan trọng, đó là chất lượng hình ảnh. Ống kính cao cấp cho hình ảnh sắc nét hơn, ít méo hình hơn, ít viền tím hơn, độ tương phản tốt hơn, màu sắc chính xác hơn và ít bị quang sai màu, những yếu tố gây nên bởi chính chất lượng của thấu kính.

Nhưng phải thừa nhận rằng kể cả trong lĩnh vực khắc phục lỗi quang học, không chỉ các phần mềm chuyên dụng như Photoshop đã có những bước cải tiến đáng kể và đã có thể khắc phục được hiện tường lệch do ống kính, mà bản thân phần mềm trong máy ảnh cũng bắt đầu có khả năng này. Ví dụ, phiên bản du lịch cao cấp Canon S90, ống kính trên phiên bản này gây hiện tượng méo hình, nhưng phần mềm trong máy đã tiến hành căn chỉnh lại trước khi xuất ra hình cuối nên những người bình thường sẽ khó có thể nhận ra. Nhiều máy ảnh khác cũng bắt đầu áp dụng các công nghệ xử lý tự khử lỗi viền tím. Hãng chuyên máy ảnh medium format Hasselblad thậm chí còn coi phần mềm xử lý ảnh là một phần không thể thiếu trong toàn bộ quá trình xử lý ảnh.

Nhưng không phải lúc nào xử lý hậu kỳ cũng tốt. Với các cảnh quay video, việc tìm đúng cảnh để căn chỉnh không hề là một việc dễ dàng, vì thế, tốt nhất phải có những ống chất lượng cao để loại bỏ hiện tượng này ngay trước khi vào tới cảm biến.

Ảnh chụp thử bằng ống kính tiêu cự 300 mm, f/2.8 của Nikon. (Click vào để xem hình lớn).
Ảnh: Digiscoped.

Mặc dù các hệ thống lấy nét và chống rung trên ống kính đã được phát triển từ lâu, nhưng những công nghệ này ngày nay vẫn đang tiếp tục được cải thiện. Chống rung ống kính sử dụng cảm biến hổi chuyển nhận dạng chuyển động của ống kính, từ đó một mô-tơ nhỏ đặt trong ống kính sẽ điều chỉnh các thấu kính chuyển động để bù đi sự dịch chuyển gây rung này.

So với các thế hệ ống kính trước, ống 300 mm này của Nikon đã được trang bị một công nghệ chống rung mới hiệu quả hơn. Theo hãng, nó có khả năng bù tới 4 stop, có nghĩa là cho phép chụp tốc độ 1/25 giây ở điều kiện, lý ra phải chụp 1/400 giây và chất lượng vẫn đảm bảo chấp nhận được. Các ống 300 mét f/2,8 trước đây chỉ hỗ trợ tới 3 stop (tức chỉ xuống được 1/50 giây). Tất nhiên, các con số này cũng chỉ là tham khảo, bởi lẽ độ rung của máy còn phụ thuộc vào việc đối tượng chuyển động hay đứng yên.

Theo Cnet, rõ ràng là cả phần cứng và phần mềm xử lý ảnh đã ảnh hưởng đáng kể tới cơ cấu công nghiệp máy ảnh với các thành tựu trong khoa học máy tính đang ngày càng tăng lên. Nhưng không vì thế mà trường phái cổ điển hướng tới chất lượng thực sự của ống kính bị mai một.

Thứ Sáu, 18/12/2009 08:25
31 👨 462
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp