Những quy tắc giúp trẻ lướt Web an toàn

Internet là một nơi tuyệt vời cho trẻ em, mặc dù vậy một số khu vực (trang Web) thật sự không thích hợp với chúng. Cũng như một số trang Web có thể là thích hợp cho người lớn, một số thích hợp cho lứa tuổi này nhưng lại không phù hợp với lứa tuổi khác...

Do đó, giúp trẻ em an toàn khi lên mạng là trách nhiệm của mọi người:

  • Các bậc cha mẹ cần phải ngồi cạnh con khi chúng lên mạng. Một cách khác tương tự: Hãy đặt máy tính của trẻ ở nơi phụ huynh thường xuyên qua lại, chẳng hạn như phòng khách.
  • Giáo viên cần hướng dẫn học sinh vào những địa chỉ web thích hợp và an toàn.
  • Các tổ chức, các trường học,... cần phải tìm hiểu, nhận thức và phổ biến cách sử dụng Internet an toàn tới cộng đồng, đặc biệt là trẻ em.
  • Trẻ em và thanh thiếu niên cần phải có trách nhiệm về việc mình làm, với sự giúp đỡ và hỗ trợ từ gia đình và cộng đồng.

Trẻ em thường hiểu biết về máy tính hơn cha mẹ của chúng, chúng có thể dễ dàng đăng kí vào một trò chơi trực tuyến, một phòng "chat" nào đó. Tuy nhiên, chúng không hiểu được hậu quả khi để lộ các thông tin cá nhân với người lạ. Một quy tắc cơ bản là: trẻ em không nên tiết lộ các thông tin cá nhân trực tuyến nếu không có sự cho phép của cha mẹ. Các thông tin các nhân đó bao gồm: họ tên, địa chỉ thư, địa chỉ, số điện thoại, ảnh, địa chỉ trường học... Bạn cần phải dạy trẻ em về những rủi ro có thể gặp phải khi chúng để lộ các thông tin cá nhân đó.

Là bậc cha mẹ, bạn nên thường xuyên trao đổi với con cái. Bạn hãy hỏi xem con bạn thích vào những trang Web nào, những trang Web nào chúng thường truy cập. Hãy trao đổi kinh nghiệm về những cái hay và những cái không hay trong khi lướt Net. Bạn đừng lo lắng quá về khả năng hiểu biết Web của con bạn, bạn phải cung cấp các thông tin cần thiết hướng dẫn cho chúng. Không ai có thể trở thành cha mẹ tốt ngay lập tức được.

Cũng như cha mẹ cần phải giúp đỡ trẻ em an toàn khi lên mạng, họ cần phải học cách kiềm chế, không nên quát nạt, la mắng khi thấy con mình vào những trang Web không phù hợp. Bạn cần phải tìm ra cách tốt nhất để cả bạn và con của bạn học được điều gì đã xảy ra và tìm được cách để tránh điều đó lại tái diễn.

Sự thách thức từ Internet có thể là rất tốt. Trẻ em cần phải học cách lựa chọn đúng đắn (vào các trang Web lành mạnh, bổ ích) trên Internet sẽ sẽ giúp chúng trưởng thành trong suy nghĩ mà sau này chúng sẽ phải đối mặt trong cuộc sống. Bây giờ, đó chỉ là Internet, nhưng ngày mai, đó là sự lựa chọn giữa cái tốt và cái xấu. Trong kinh doanh cũng như trong cuộc sống sau này, sự lựa chọn tốt sẽ giúp chúng thành đạt trong cuộc sống. Do đó, học cách lựa chọn đúng đắn là một kĩ năng cần phải có trong cuộc sống của mỗi người.

Dưới đây là các quy tắc an toàn khi lướt Web. VietNamNet đã đúc kết được và xin chia sẻ cùng bạn đọc:

Quy tắc an toàn cho trẻ em

  • Bạn đừng để lọt các thông tin về mình như: họ tên , số điện thoại, địa chỉ, trường học... mà không hỏi cha mẹ trước.
  • Bạn đừng bao giờ gửi thư mà có hình ảnh về mình cho một người lạ.
  • Nếu ai đó đưa cho bạn thứ gì đó, nói một cái gì đó mà cảm thấy không thoải mái, gây khó chịu thì bạn đừng nhìn và cũng đừng khám phá nữa. Bạn hãy hỏi ngay cha mẹ, họ sẽ biết cách giải quyết giùm bạn.
  • Lên kế hoạch gặp gỡ ai đó sau khi đã quen trên mạng là có thể là điều không tốt. Họ ở ngoài đời sẽ rất khác so với những gì họ ở trên mạng. Nếu bạn tìm cách làm quen với họ, tốt nhất hãy đề nghị cha mẹ giúp đỡ, hoặc đề nghị cha mẹ cùng đi cùng với bạn.
  • Bạn không được mở thư, tập tin, trang Web mà bạn có được từ người lạ hoặc không tin tưởng.
  • Bạn đừng tiết lộ mật khẩu cho bất kì ai, ngoại trừ là người lớn trong gia đình.
  • Bạn hãy luôn tuân thủ những nguyên tắc của gia đình về truy cập Internet, họ luôn cần phải đảm bảo bạn được vui vẻ và an toàn trên mạng.
  • Bạn đừng làm bất cứ điều gì mà liên quan đến tiền, trừ khi cha mẹ bạn ở đó để giúp bạn.

Quy tắc an toàn với thanh thiếu niên

  • Hãy luôn nhớ rằng: Trong cuộc sống, cách tốt nhất là hãy sống trung thực. Tuy nhiên, điều đó rất khó thực hiện, đặc biệt là trên Internet. Đừng bao giờ tin bất cứ cái gì mà bạn thấy trên Internet.
  • Hãy khôn ngoan, tỉnh táo đối với những người muốn biết bạn quá nhiều. Không có quy tắc nào nói rằng bạn phải nói cho họ: bạn đang sống ở đâu, bạn tên là gì, và những thông tin cá nhân khác. Tất cả những điều đó là của riêng bạn. Nếu ai đó làm bạn cảm thấy không thoải mái thì bạn hãy từ chối.
  • Nếu bạn nhận được email, tập tin, hình ảnh đáng nghi ngờ từ một người mà bạn không biết và không tin tưởng, hãy coi chúng như là thư rác. Bạn sẽ mất rất nhiều nếu bạn tin tưởng ở một người mà bạn chưa từng gặp. Cũng như vậy, bạn cần phải rất cẩn thận với liên kết đáng nghi ngờ.
  • Hãy tránh xa các phòng "chat" hoặc hội thảo mà không rõ ràng. Đừng để những người dùng trực tuyến lừa dối bạn, bạn hãy coi họ là bạn sau khi đã thực sự biết rõ họ trong đời thường. Cũng như vậy, bạn đừng để người khác thôi thúc bạn gây rắc rối trên mạng. Bạn sẽ rất dễ dàng tìm thấy vấn đề rắc rối trên mạng, và bạn sẽ thấy mình không thể kiểm soát được. Do đó, tốt nhất bạn hãy tránh xa những vấn đề đó.

Quy tắc an toàn cho gia đình

  • Hãy sử dụng máy tính cùng con bạn. Trong khi bạn dành thời gian cùng chúng lướt Web, bạn có thể giúp chúng an toàn. Hãy học thêm về công nghệ, hỏi thật nhiều câu hỏi nếu có thể, và đừng ngại nếu con bạn hiểu biết nhiều về công nghệ hơn bạn. Bạn nên hiểu rằng, gia đình là của bạn. Bạn là chủ gia đình, bạn phải có trách nhiệm với những gì con bạn đang làm.
  • Hãy dạy cho con bạn hiểu rằng đừng bao giờ tiết lộ các thông tin cá nhân cho người lạ, đặc biệt là trên các phòng chat. Nếu bạn có trang Web về gia đình bạn, và bọn trẻ có thể đưa ảnh của chúng lên, thì tốt nhất bạn không nên đưa thêm các thông tin như: chúng học trường nào, bạn ở đâu, số điện thoại và các thông tin khác... Bạn chỉ nên đưa rất ít các thông tin cá nhân lên như địa chỉ email.
  • Hướng dẫn con bạn đừng nên đặt kế hoạch gặp mặt trực tiếp người lạ khi sau khi tiếp xúc trên mạng, và con bạn cần phải thông báo cho bạn biết trước nếu chúng thật sự muốn.
  • Hãy thiết lập quy tắc truy cập Internet cho gia đình bạn. Bạn hãy cố gắng tìm hiểu, phân biệt các công cụ quản lý cho phụ huynh, các phần mềm bảo vệ, các lựa chọn về quyền truy cập. Từ đó chọn ra công cụ nào là tốt nhất cho bạn.
  • Bạn hãy thông báo cho con bạn biết: Chúng không nên hồi đáp lại khi nhận được sự đe doạ, email nguy hiểm,... Con bạn cần phải báo cho bạn biết tất cả những thông tin mà con bạn cảm thấy không thoải mái. Hãy hứa với chúng rằng, bạn sẽ không tức giận, trách mắng chúng. Bạn sẽ giúp chúng cảm thấy tin tưởng hơn và mở rộng niềm tin vào bạn hơn.
  • Nếu bạn thấy lo lắng khi con bạn và những đứa trẻ khác có thể gặp rủi ro thì đừng do dự mà hãy báo ngay với chính quyền.

Minh Phúc

Thứ Hai, 07/11/2005 08:59
31 👨 230
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp