Nếu đang sử dụng phiên bản Outlook dành cho desktop, thì rất có thể bạn sẽ nhận được lỗi Sending and receiving reported error “0x80004005”: The operation failed khi cố gắng gửi hoặc nhận email mới.
Lỗi 0x80004005 trong Outlook
Lỗi 0x80004005 là một vấn đề phổ biến trong Outlook, cho dù bạn đang sử dụng ứng dụng email client từ Microsoft 365, Office 2019, Office 2016 hay các phiên bản trước đó và có thể do một số lý do, kể cả do chương trình diệt virus của bên thứ ba chặn script, các cuộc tấn công độc hại, key bị thiếu hoặc hỏng trong Registry hoặc sự cố với profile Outlook.
Dù lý do là gì đi chăng nữa, nếu bạn đang gặp vấn đề này, thì giải pháp tốt nhất là tạo và chuyển sang profile Outlook mới.
Trong hướng dẫn này, bạn sẽ tìm hiểu các bước để khắc phục lỗi 0x80004005 với thông báo The operation failed trong phiên bản Outlook trên desktop cho Windows 10.
Cách sửa lỗi 0x80004005 trong Outlook
Để khắc phục lỗi 0x80004005 khi gửi và nhận email trong Microsoft Outlook, hãy làm theo các bước sau:
1. Mở Control Panel.
2. Bấm vào User Accounts.
3. Nhấp vào Mail (Microsoft Outlook).
4. Nhấp vào nút Show profiles.
5. Nhấp vào nút Add.
Mẹo nhanh: Không cần xóa profile cũ, vì bạn có thể cần đến nó để khôi phục thông tin trong tương lai.
6. Xác nhận tên mới cho profile để sửa lỗi Sending and receiving reported error “0x80004005”: The operation failed.
7. Nhấp vào nút OK.
8. Chọn tùy chọn Manual setup or additional server types.
9. Nhấp vào nút Next.
10. Chọn tùy chọn Office 365 (nếu có).
Lưu ý: Việc lựa chọn tùy chọn này và các bước tiếp theo sẽ phụ thuộc vào dịch vụ mà bạn sử dụng.
11. Xác nhận địa chỉ email của bạn.
12. Nhấp vào nút Next.
13. Tiếp tục với các hướng dẫn trên màn hình (nếu có).
14. Nhấp vào nút Finish.
15. Trong mục Always use this profile, hãy chọn profile vừa tạo.
16. Nhấp vào nút Apply.
17. Nhấp vào nút OK.
Khi hoàn thành các bước, bạn sẽ bắt đầu với profile mới và không còn thấy lỗi 0x80004005 khi cố gắng nhận email từ một dịch vụ trực tuyến nữa.
Trong trường hợp hiếm gặp sự cố vẫn tiếp tục diễn ra và bạn đang sử dụng chương trình diệt virus của bên thứ ba, chẳng hạn như Norton Antivirus, thì bạn cũng có thể thử tắt tính năng chặn script khỏi cài đặt ứng dụng. Hoặc nếu đang chạy Windows 10, bạn có thể xóa phần mềm diệt virus đó và quay lại sử dụng Microsoft Defender Antivirus để xem có khắc phục được sự cố không.