Tưởng tượng các trang web sẽ hoạt động như một chat room, trong đó mọi thông tin hiển thị theo thời gian thực (real-time) cho tất cả những người tham gia cùng đọc mà không cần bấm F5 để tải lại (refresh) dữ liệu.
Các phương pháp truyền tin đang liên tục tiến hóa qua các thế hệ. Cách đây 500 năm, một thông tin có thể phải mất vài chục năm mới lan ra toàn cầu. Và cũng chỉ hai thập kỷ trước, con người chủ yếu tiếp nhận tin tức qua TV, đài và báo in.
Web ra đời, báo giấy đứng trước những thách thức của truyền thông Internet với lợi thế cập nhật tin tức theo từng phút. Nhưng với sự xuất hiện của Twitter và mô hình tiểu blog, còn gọi là nhật ký nhanh (micro-blogging), thời lượng "phút" dường như vẫn chưa đủ. Nếu mất 15 phút để hoàn tất một bài báo, bạn đã đánh mất cơ hội trở thành người đầu tiên cung cấp thông tin. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó, thông tin đã được đưa lên Twitter cho hàng nghìn người thảo luận.
Twitter cũng là một dạng blog, vậy tại sao nó lại tạo nên một mốc quan trọng trong phương thức truyền tin của con người? Thông thường, người đọc phải chủ động mở một tờ báo điện tử hoặc trang blog để xem thông tin trên đó. Nếu không truy cập thường xuyên, họ có thể bỏ lỡ nhiều bài viết cũ do chúng bị đẩy sang trang sau.
Còn với Twitter, ngay khi được bấm nút gửi đi, thông tin đó lập tức hiện lên trên ứng dụng của hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người, đăng ký nhận cập nhật (có thể hình dung như một dạng Send Group - gửi tin nhắn cho cả nhóm - trên Yahoo Messenger nhưng ở mức độ tiên tiến hơn).
Hãng truyền thông CNN (Mỹ) hiện sở hữu một trong những tài khoản nhiều người theo dõi nhất trên Twitter nhằm cung cấp thông tin tức thời cho độc giả. Tiểu blog ra đời không phải để thay thế cho bất cứ loại hình truyền thông nào như TV, báo in, báo điện tử hay blog. Mục đích của nó đơn giản là "khoe" ngay cho mọi người biết chuyện gì "đang diễn ra tại chính thời điểm này" trong 140 ký tự. Còn để biết chi tiết hơn, người ta sẽ vẫn phải vào blog hay báo điện tử để đọc các bài viết tổng hợp và mang tính chuyên môn.
Kiểu truyền tin của Twitter được coi là một mô hình web thời gian thực. Điểm yếu của phương pháp này là thông tin ít được chọn lọc và kém chính xác hơn, như các thống kê về dịch cúm lợn được lan truyền ồ ạt trên Twitter mà không có nguồn kiểm chứng tin cậy. Hơn nữa, con người chỉ có thể đọc nghe một lượng nhất định trong một thời điểm nên sẽ không tránh khỏi tình trạng quá tải thông tin.
Dù còn hạn chế, giới chuyên môn nhận định trào lưu web thời gian thực sắp diễn ra khi mà ngày một nhiều công cụ hỗ trợ xu hướng này, cộng với quan niệm tin tức càng nhanh sẽ càng được đánh giá cao trong xã hội.
Tham gia trào lưu đó không chỉ có các mạng xã hội như Twitter, Facebook hay FriendFeed. Tuần này, Google cũng giới thiệu một số tính năng mới giúp công cụ tra cứu của họ tiến gần hơn đến khả năng tìm kiếm thời gian thực. Không chỉ hiển thị kết quả chung chung như trước, người dùng có thêm các tiêu chí để sàng lọc thông tin.