Ứng dụng CNTT trong DN: khi nào ''chợ mới đông''?

Dự kiến, đến năm 2010, Việt Nam sẽ có 500.000 DN, tuy nhiên, tỉ lệ ứng dụng ICT trong cộng đồng này hiện chỉ đạt 30%, vào hàng thấp nhất trong khu vực. Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Văn Thảo-Phó Tổng thư ký Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiêm Viện trưởng Viện Tin học DN đã bày tỏ mối trăn trở đó.

Ông Nguyễn Văn Thảo-Phó Tổng thư ký Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

- Hiện tại, nhiều doanh nghiệp đang còn thờ ơ với tính hiệu quả của CNTT. Theo ông, nguyên nhân chính là do nhận thức hạn chế của doanh nghiệp, hay Nhà nước chưa có cơ chế chính sách khuyến khích cụ thể?

- Ông Nguyễn Văn Thảo: Có 2 nguyên nhân nhưng nguyên nhân lớn nhất vẫn là nhận thức của doanh nghiệp. Tôi xin đưa ra ví dụ: một giám đốc nếu mê đánh bóng tennis, thì thậm chí, họ có thể xây dựng trong doanh nghiệp mình hẳn một sân tennis. So sánh với CNTT cũng vậy, nếu họ quyết tâm đầu tư và có "sức ép" với nhân viên thì mọi chuyện sẽ khác. Như vậy, nếu thấy có lợi, thì không cần khuyến khích, họ vẫn làm.

Tôi cũng đã từng nói vui với một số địa phương khi làm chương trình thu hút, kêu gọi đầu tư rằng: "Nếu chúng ta chứng tỏ được với các nhà đầu tư là mảnh đất của chúng ta có tiềm năng, đầy cơ hội thì dẫu thấy có đinh, các nhà đầu tư vẫn vào; ngược lại có trải thảm đỏ, thảm nhung thì dắt tay chưa chắc họ đã đến".

Tôi cũng rất đồng tình với quan điểm mới đây của Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Vũ Đức Đam khi ông nói: "Trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước là ngoài chức năng xây dựng môi trường cũng cần tạo ra cơ chế khuyến khích trực tiếp và gián tiếp''. Ngoài ra, các doanh nghiệp máy tính, cung cấp giải pháp phần mềm nên có các chương trình bình dân, dễ hiểu với giá cả phải chăng nhằm thu hút các doanh nghiệp tham gia, cũng như có kế hoạch đầu tư CNTT dài hơi.

- Thưa ông, Việt Nam hiện chưa có cuộc điều tra với quy mô lớn đánh giá hiện trạng ứng dụng CNTT trong hệ thống các doanh nghiệp. Thực chất, tại những cuộc điều tra quy mô nhỏ vẫn còn có những ý kiến khác nhau. Với tư cách là Viện trưởng Viện tin học doanh nghiệp, ông có thể cho biết tỷ lệ ứng dụng CNTT tại các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa?

Thứ trưởng Bộ BCVT Vũ Đức Đam cho biết: ''DN không quan tâm nhiều đến ICT, đó là thực tế! Bộ BCVT đang bàn với bộ GDĐT để tăng cường đào tạo, trong đó có làm lại quy hoạch đào tạo.

Bộ BCVT ngoài chức năng xây dựng môi trường, cũng cần tạo ra cơ chế: Cơ chế trực tiếp và gián tiếp. Trước hết, cơ chế này sẽ khuyến khích trực tiếp như ưu đãi về thuế, tài trợ... nhưng cần có cơ chế khuyến khích gián tiếp như xây dựng cơ sở dữ liệu để sử dụng chung, chỉ truy cập qua Internet, không làm trực tiếp bằng giấy tờ...Ngoài ra, cũng phải phổ cập ICT, đặc biệt là đưa Internet về nông thôn."

- Mặc dù đã có rất nhiều động thái thúc đẩy ứng dụng CNTT trong doanh nghiệp qua năm 2005, nhưng thống kê sơ bộ của VCCI cho thấy, tỷ lệ ứng dụng CNTT tại các doanh nghiệp mới chỉ chiếm 30%, xếp vào hàng thấp nhất trong khu vực.

Theo tôi, chúng ta cũng nên nhìn vào mức độ ứng dụng tin học hơn là những bộ máy vi tính đồ sộ tại các doanh nghiệp. Theo điều tra gần đây của VCCI, tại 526 doanh nghiệp Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, 98% doanh nghiệp trả lời có máy tính nhưng hầu hết chỉ dùng ở cấp độ văn phòng như: soạn thảo văn bản, gửi thư điện tử, chương trình Excel, cao hơn nữa sử dụng phần mềm quản trị nguồn lực ERP; 65% doanh nghiệp có website nhưng không cập nhật thông tin cho trang web; 85% doanh nghiệp có trang web không quan tâm về an ninh, an toàn trên mạng. Tôi khẳng định: những việc làm đó sẽ không mang lại hiệu quả sản xuất, kinh doanh cao cho doanh nghiệp.

- Ông đánh giá như thế nào về tình trạng hiện nay một số doanh nghiệp lớn đã có thương hiệu, ngành nghề kinh doanh đặc thù thường không mấy "lăn lộn" để tìm kiếm các đơn hàng lớn qua mạng?

- Điều đó là có. Những doanh nghiệp nhỏ do không có đủ kinh phí tham gia các cuộc triển lãm, khu trưng bày giới thiệu sản phẩm nên họ phải lên mạng Internet tìm kiếm khách hàng, đối tác nước ngoài, còn doanh nghiệp lớn, đủ mạnh có phần "ỷ lại" vào các đơn hàng đã có sẵn mối quan hệ. Tuy nhiên, thời gian tới đây, lợi thế đó chưa chắc đã bền vững.

- Dưới góc độ của nhà quản lý, theo ông có biện pháp nào tạo sân chơi cho doanh nghiệp?

- VCCI đã xây dựng sàn giao dịch điện tử VneMart vào năm 2003 và đang hoạt động. hiện có gần 4000 DN tham gia giao dịch. Trong đó chỉ có 2000 DN Việt Nam, còn lại là nước ngoài. Trong số DN VN thì phần lớn là thụ động. Số lượng các DN Trung quốc tham gia chào hàng nhiều nhất. Lượng truy cập của khu vực Bắc Mỹ cũng lớn...

- Kế hoạch năm 2006 của VCCI sẽ được triển khai như thế nào?

- Mới đây, Đề án 191 (Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng CNTT trong quá trình hội nhập) đã được Chính phủ phê duyệt. Trong năm tới, khối lượng các hoạt động của Đề án 191 phải thực hiện là rất lớn. Dự kiến có 210 hoạt động được diễn ra trong khuôn khổ Đề án trong đó bao gồm các chương trình điều tra, khảo sát, nghiên cứu thực trạng ứng dụng CNTT trong các doanh nghiệp; tư vấn cho doanh nghiệp lựa chọn giải pháp; triển khai các chương trình đào tạo kỹ năng cần thiết về ứng dụng CNTT cho đội ngũ cán bộ của doanh nghiệp.

Theo tôi, để Đề án thực hiện có hiệu quả, tại mỗi địa phương, Sở Bưu chính Viễn thông nên là đầu mối thành lập và quản lý triển khai Đề án; các Bộ, ngành, hiệp hội doanh nghiệp cũng cần tăng cường phối hợp để triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp theo từng lĩnh vực.

- Xin cảm ơn ông!

Hoàng Hùng

Thứ Ba, 17/01/2006 08:19
31 👨 64
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp