Phần mềm do Christian Assad, một bác sĩ ở bang Maryland (Mỹ), sáng tạo là sự kết hợp của nhiều tính năng như xác định địa điểm, gọi điện hay chơi nhạc nhằm giải cứu người bị bất tỉnh.
Ông Christian Assad đã trình bày cách hoạt động của ứng dụng này ngay trên trang blog của mình. Theo đó, khi bắt gặp người bị bất tỉnh trên đường, người dùng chỉ cần ra lệnh "OK Glass, CPRGGlass" để khởi động phần mềm trợ giúp.
Các thông tin hiển thị trên ứng dụng trợ giúp cấp cứu. (Ảnh: Forbes).
Ngay sau khi nhận lệnh, Google Glass sẽ hiển thị các thông tin về đường thở, nhịp thở và hệ tuần hoàn của người bị ngất. Do sử dụng thuật toán của một nhà phát triển có tên Hao-Yu Wu nên kính Google có thể phát hiện được mạch đập của đối tượng một cách chính xác chỉ nhờ camera tích hợp trên thiết bị. Nhờ đó, người sử dụng có thể xác định được nhịp tim xuyên suốt quá trình xoa bóp tim.
Nếu mạch của nạn nhân không đập, người dùng lại tiếp tục ra lệnh "Ok Glass, no pulse". Ngay lập tức, Google Glass sẽ bật bài "Staying Alive" nhằm giúp người dùng ấn tim được đúng tốc độ 100 nhịp/phút. Trong khi đó, con quay hồi chuyển trên thiết bị sẽ giúp xác định hướng tác động lên ngực nạn nhân đã đúng hay chưa. Màn hình thiết bị sẽ hiển thị các thông số về thời gian và tốc độ thực hiện.
Đồng thời, Google Glass sẽ thực hiện luôn cuộc gọi cấp cứu (trường hợp này là 911). Đồng thời, dựa trên vị trí của người dùng thông qua GPS, thiết bị sẽ giúp xác định luôn bệnh viện gần nhất và gửi tin nhắn cầu cứu trong trường hợp sơ cứu thất bại. Bên cạnh đó, máy cũng chỉ luôn cho chủ nhân cách tìm được máy kích rung tim ở nơi gần nhất.
Trước đó, các ứng dụng của Google Glass mới chỉ dừng lại ở những tính năng cơ bản của thiết bị di động như gọi điện, nhắn tin hay chia sẻ trên mạng xã hội. Việc kết hợp các tính năng cùng lúc để phục vụ cho việc cứu người của bác sĩ Christian Assad được nhiều nguồn tin như Forbes hay Phone Arena đánh giá cao.