Tỷ phú Jeff Bezos sẽ bay vào không gian vào ngày 20/7 sắp tới bằng phi thuyền New Sephard do công ty Blue Origin của ông chế tạo.
Cụ thể, Jeff Bezos sẽ thực hiện một chuyến du hành không gian dưới quỹ đạo. Phi thuyền New Sephard sẽ bay đến độ cao 100km và vòng lại mặt đất ngay lập tức. Có nghĩa là chuyến bay sẽ không hoàn thành trọn vẹn một quỹ đạo của Trái Đất.
Để làm được điều này, New Sephard phải đạt được vận tốc 3.700 km/h và hướng thẳng lên trời. Khi tên lửa cạn kiệt nhiên liệu, nó sẽ tự tách rời bộ đẩy tên lửa để phi thuyền tiếp tục lơ lửng trên quỹ đạo bay. Chỉ sau 3 phút, các vị khách trong phi thuyền sẽ đột nhiên cảm thấy không trọng lượng. Và họ sẽ có 3 phút nữa để trải nghiệm cảm giác không trọng lực, cởi dây an toàn và trôi nổi xung quanh cabin, ngắm đường cong của Trái đất ở một bên của tàu vũ trụ và màu đen của không gian ở bên kia.
Sau đó, phi thuyền sẽ bắt đầu rơi trở lại Trái đất với tốc độ cao. Khi đó, một hệ thống dù sẽ được bật để giảm vận tốc hạ cánh xuống dưới 30 km/h trước khi chạm mặt đất. Hành khách sẽ hạ cánh ở sa mạc Texas.
Toàn bộ chuyến bay vào không gian của Jeff Bezos sẽ kéo dài khoảng 11 phút.
New Sephard vận hành hoàn toàn tự động và đã bay thử thành công 15 lần. Blue Origin cũng đã chuẩn bị kỹ càng trong gần một thập kỷ.
Khoang chứa của New Sephard đã được điều áp nên dù bay ở độ cao hơn 100 km, Jeff Bezos vẫn không cần quần áo bảo hộ. New Shepard cũng được trang bị mặt nạ oxy và hệ thống thoát khẩn cấp trong trường hợp dù gặp sự cố.
Nhìn chung, chuyến bay vào không gian của vị CEO Amazon có độ an toàn ở mức chấp nhận, nhưng rủi ro vẫn sẽ tồn tại.
Trong các chuyến bay vào quỹ đạo Trái đất, phần vỏ của tàu vũ trụ có thể đạt mức 2000 độ C và chịu một lực nặng gấp 4 lần trọng lực Trái Đất. Bất kỳ một sai sót nhỏ nào cũng có thể khiến tính mạng của các phi hành gia bị đe dọa. Tất nhiên, mức độ an toàn của chuyến bay dưới quỹ đạo được đảm bảo hơn.