Fujifilm và Ricoh là hai hãng đầu tiên mạnh dạn tích hợp kỹ thuật tăng cường dải bắt sáng động (HDR) vào thế hệ máy ảnh bình dân.
Thông thường máy ảnh compact là những phiên bản hay được thử nghiệm công nghệ nhiếp ảnh mới nhất, như hệ thống lấy nét, đèn flash tích hợp hay hệ thống chống rung mới… thay vì các máy DSLR vốn rất tốn tiền. Lý thuyết này có vẻ vẫn đúng khi gần đây hai hãng máy ảnh Fujifilm và Ricoh tiên phong trong việc tích hợp kỹ thuật xử lý tự động tăng cường dải bắt sáng động (High Dymanic Range_HDR) trên các máy compact của mình. Đó là máy ảnh 12 "chấm" Fujifilm Finepix F200EXR và máy 9,3 "chấm" Ricoh CX1. Máy ảnh DSLR đầu tiên ứng dụng kỹ thuật này là Pentax K-7 cũng chỉ vừa mới ra mắt thị trường không lâu.
Một bức ảnh được xử lý kỹ thuật HDR sẽ thể hiện được dải tông màu rất rộng từ vùng tối đến vùng sáng, đồng thời hiển thị tốt độ chi tiết tối đa trên cả hai vùng tương phản này. Trước đây kỹ thuật HDR chỉ xử lý được sau khi chụp ảnh bằng các phần mềm chuyên nghiệp. Nhưng với ứng dụng mới trên hai máy compact của Fujifilm và Ricoh, người dùng có thể được tận hưởng các bức ảnh được xử lý HDR ngay khi nó được chụp.
Fujifilm F200EXR và Ricoh CX1. Ảnh: Popphoto.
Để xử lý kỹ thuật này, Ricoh sử dụng công nghệ chụp 2 tấm liền một lúc (nhưng bạn sẽ chỉ thấy một lần chụp), sau đó máy ảnh sẽ kết hợp các chi tiết ở vùng sáng và vùng tối lại thành một bức ảnh cuối có độ phân giải tối đa 9,3 triệu điểm ảnh. Để chụp những bưc ảnh như vậy, người chụp cần quay bánh xe chế độ về DR, truy cập menu và chọn mức độ dải bắt sáng động (từ mức yếu tới mức mạnh).
Còn Fujifilm thì chọn phương pháp khai thác năng lực của cảm biến Super CCD EXR 12 triệu điểm ảnh của mình bằng việc sử dụng 6 triệu điểm cho vùng sáng và 6 triệu điểm cho vùng tối. Máy ảnh sẽ chỉ chụp một kiểu ảnh, nhưng sẽ kết hợp phần chi tiết rõ nhất của vùng sáng với phần chi tiết rõ nhất của vùng tối thành một bức ảnh có độ phân giải 6 triệu điểm, bằng một nửa độ phân giải cảm biến. Để dùng kỹ thuật này, người chụp có thể quay bánh xe chọn chế độ EXR, sau đó vào menu chọn DRange Priority. Cả hai máy khi chọn chế độ này sẽ tự động chiếm quyền điều chỉnh ISO. Máy Fujifilm Finepix F200EXR thì mặc định sẽ để ở ISO 200, trong khi Ricoh CX1 thì điều chỉnh độ nhạy sáng tùy vào mức độ sáng tối của cảnh chụp.
Kết quả xử lý HDR của hai máy ảnh compact này khá tốt. Trong khi máy ảnh Fujifilm có xu hướng giảm bớt vùng sáng thì máy ảnh Ricoh ngược lại lại có xu hướng tăng vùng tối. Cả hai máy đều được chỉnh bù phơi sáng lên mức cao nhất và đều thể hiện chất lượng tốt như nhau. Tuy nhiên, Ricoh có lợi thế hơn khi ảnh đầu cuối vẫn giữ độ phân giải tối đa của cảm biến, còn độ phân giải của Fujifilm bị giảm đi một nửa.
Thực ra, các máy ảnh compact cũng có thể dùng phương pháp tăng độ chi tiết giữa vùng sáng/tối. Dù phương pháp này cũng có thể giúp tăng dải bắt sáng động, nhưng nó cũng làm tăng nhiễu trên vùng tối của ảnh. Nếu tăng ISO để bắt sáng tốt hơn chỉ làm tăng thêm nhiễu nhiều hơn. Các bức ảnh chụp ở chế độ HDR trên các máy của Fujifilm và Ricoh, nhiễu được xử lý khá hiệu quả, gần như rất khó nhận biết nhiễu giữa ảnh đã xử lý HDR so với ảnh không qua xử lý HDR.
Như vậy, có phải các máy compact này có thể cho ra các bức ảnh HDR ngay từ nguyên bản? Thực tế không hẳn vậy. Các bức ảnh HDR thực sự có dải bắt sáng động lớn hơn rất nhiều, trong khi các bức ảnh được Fujifilm và Ricoh xử lý HDR nội tại có xu hướng vùng tối bị hạn chế còn vùng sáng bị quá thừa. Nhưng ít ra, tính năng hữu ích này cũng đem lại một giải pháp chỉnh sửa tại chỗ đối với những khung cảnh có độ tương phản quá cao. Các máy compact có tính năng này vì thế sẽ rất hữu ích cho các kỳ nghỉ hay du lịch, những nơi không phải bạn lúc nào cũng có thể căn chỉnh ánh sáng như ý được.