Ứng dụng TikTok của Trung Quốc đã bị cấm tại Ấn Độ và hiện chính phủ Mỹ cũng đang xem xét cấm nền tảng video âm nhạc và mạng xã hội này để đảm bảo an ninh quốc gia.
Khi nghe tin này, những cái tên vui nhất chính là các hãng công nghệ Mỹ như Facebook, Twitter bởi họ có thể tận dụng tranh cãi liên quan đến đối thủ như TikTok để hưởng lợi.
Vào ngày 10/6, Amazon thông báo yêu cầu tất cả nhân viên của hãng xóa TikTok ngay lập tức để tránh rủi ro bảo mật. Nhưng chỉ sau vài giờ, thông báo đó bị xóa và Amazon đưa ra lý do "gửi nhầm". Việc Amazon yêu cầu nhân viên xóa TikTok cho thấy sự nghi ngờ trong quy định của Mỹ đối với các hãng công nghệ Trung Quốc.
Thời gian qua, các hãng công nghệ lớn như Facebook, Google, Amazon dính phải hàng loạt bê bối liên quan đến quyền riêng tư và kiểm duyệt nội dung. Vì vậy, người dùng, giới truyền thông và chính phủ Mỹ luôn chú ý tới họ, đặc biệt là khi quy mô, sự chi phối của các công ty ngày càng lớn.
Các công ty này đang phải đối mặt với áp lực đến từ nhiều phía với nhiều yêu cầu khác nhau từ cải cách kiểm duyệt nội dung đến tái cơ cấu chống độc quyền.
Các hãng công nghệ Mỹ đã tận dụng những động thái của chính quyền Tổng thống Donald Trump về vấn đề Trung Quốc để bảo vệ quan điểm của họ. Vào tháng 10/2019, Mark Zuckerberg - CEO Facebook khi phát biểu về quyền tự do bày tỏ (free expression) đã cho rằng Trung Quốc đang tạo ra mạng Internet của riêng họ với những giá trị rất khác so với Internet của Mỹ và đang "xuất khẩu" nó ra thế giới. Theo Zuckerberg, 10 năm trước, gần như mọi nền tảng phổ biến trên Internet là của Mỹ nhưng hiện tại 6/10 nền tảng hàng đầu lại đến từ Trung Quốc.
Amazon đã thu hồi yêu cầu cấm nhân viên sử dụng TikTok nhưng ít nhất một công ty lớn của Mỹ đã thực sự đưa ra lệnh cấm đó là Wells Fargo (công ty cung cấp dịch vụ tài chính).
Theo một số nguồn tin, Nhà Trắng đang lên kế hoạch cấm ứng dụng TikTok tại Mỹ vì lo ngại an ninh. Nếu điều này xảy ra, các tập đoàn Mỹ được hưởng lợi nhiều nhất bởi sự cạnh tranh sẽ giảm đi rất nhiều.