Giá chỉ dao động quanh 500.000 đồng, đầu CD đã qua sử dụng của Nhật được nhiều người yêu âm thanh mua về nghe và chỉnh sửa để thỏa thú vui "vọc đồ".
Không chịu mua các loại máy tích hợp đọc nhiều loại đĩa (cả CD lẫn DVD) phổ biến hiện nay, người chơi âm thanh tìm đến đầu CD chuyên chỉ nghe CD. Thị trường đầu CD cũng vô cùng, mới có, cũ có, đắt hàng chục nghìn USD cũng có mà rẻ chỉ vài trăm nghìn đồng cũng có.
Những đầu CD mới xịn như thế này có giá hơn chục nghìn USD, khiến nguồn second-hand được nhiều người tìm kiếm. Ảnh: V.T. |
Những loại đầu mới của các hãng từ Mỹ, Đức, Italy... khá đắt, dao động từ 1.000 USD đến hàng chục nghìn USD. Do đó, những audiophile bình dân muốn thưởng thức vẻ đẹp của âm nhạc hay săn lùng hàng "bãi", còn gọi là hàng "cỏ", với mức giá dễ chịu mà vẫn hay. Số khác không dừng ở các sản phẩm nguyên bản mà chế lại một số thành phần trong máy để tạo ra thứ âm thanh lạ hơn, "vừa tai" của họ hơn.
"Hiện mốt chơi đầu CD đã quay trở lại, hàng bán được hơn, nhất là các loại đầu cũ của Nhật", anh Tùng, một chủ cửa hàng ở chợ Giời (Hà Nội), cho hay. "Cách đây 2-3 năm, loại đầu này 'đi' rất chậm vì lúc đó đầu DVD chạy cả CD xuất hiện làm nhiều người thấy thuận tiện mua về dùng".
Khu chợ Giời là nơi tập kết nhiều thiết bị second-hand. Những loại đầu CD chạy điện 110 volt của Nhật như Sony, Sansui, Denon, Teac, Marantz, Phillips... có giá 300.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng. Trong TP. HCM, người chơi có thể đến chợ Nhật Tảo, ở Hải Phòng tìm ra chợ Sắt. Số khác có thể kiếm được đồ từ các mục rao bán trên mạng.
"Những loại đầu giá rẻ này là điểm khởi đầu cho người muốn mod bởi có hỏng thì cũng không quá tiếc tiền", anh Cương, một "DIYer" tại Hà Nội, bày tỏ. "Thí nghiệm trên 'thỏ' nhỏ sẽ đỡ run tay hơn so với hàng vài triệu đồng".
Các linh kiện bé xíu này của Sony 570 có thể bị "DIYer" thay thế bằng loại tốt hơn. Ảnh: V.T. |
Linh kiện mà họ thay thế được tính toán, cân nhắc cẩn thận dựa trên những thứ có sẵn như loa, ampli để phối ghép hợp lý cho hệ thống âm thanh và sở thích nghe nhạc của chủ nhân. Đầu CD sẽ phát huy được hết "nội lực" khi có bộ dàn thử nghiệm thuộc loại tốt. Do đó, dân mod thường tụ hội với nhau chế một đầu rồi mang đi các nhà để nghe kiểm nghiệm.
Thông thường, linh kiện liên quan nhiều đến chất âm của máy như Op-Am (Operational Amplifier), tụ và clock được thay đổi trước tiên. Op-Am chính ra là các ampli nhỏ xíu hình chữ nhật nhiều chân, có nhiệm vụ chuyển đổi tín hiệu lên/xuống trong bất kỳ trạng thái nào của thiết bị điện tử. Chúng có 2 input (âm và dương) và một output. Giá trị nổi bật của Op-Am là chúng có thể đặt ở bất kỳ chỗ nào trên mạch để khuếch đại tín hiệu, ngoài ra có thể áp dụng làm nhiều việc khác như mạch trừ, mạch cộng..
Mạch của CDP Pioneer PD-S603 sau khi thay thế. Ảnh: Raymondaudio. |
Tụ thay thường là tụ lọc nguồn, tụ nối tầng, tụ xuất âm... có phẩm chất tốt. "Dân thường" thì kiếm hàng ở chợ, cầu kỳ hơn thì tìm đến đồ "xịn" nhưng cũ nát không bán được khiến chủ hàng phải tháo mọi linh kiện để bán rời. Tụ lấy từ thiết bị trong ngành y tế, quân sự... cũng được săn lùng vì có chất lượng tốt hơn hẳn hàng dân dụng. Linh kiện này có nhiều loại với chất lượng và giá cả rất vô cùng. Có loại chục nghìn đồng được cả "mớ", các loại xịn hơn như tụ dầu, tụ bạc giá tới cả trăm nghìn một chiếc, thậm chí ... vượt giá đầu CD cũ.
Còn clock tạo xung nhịp thì được những người DIY ví von như trái tim của cỗ máy hát và thay thế thiết bị này còn cầu kỳ hơn. Máy CD cũ của Nhật chất lượng không cao so với hàng của Mỹ, châu Âu phần lớn do clock không xịn bằng. Người chơi khó tính phải bỏ công ra săn tìm khá kỹ linh kiện từ nguồn này, chưa kể chạy từ Nam ra Bắc, từ Bắc vào Nam và tranh thủ tìm ở nước ngoài trong các chuyến công tác.
Lớp vỏ mỏng manh của Teac cần "dán" thêm các lớp kim loại nữa cho "đằm" máy. Ảnh: Costruzion. |
Đầu CD cũ và rẻ thường khá nhẹ, chưa đến 10 kg, nên trong một số trường hợp, các tay mod xử lý cả phần khung bằng cách làm dày vỏ cả bên dưới lẫn bên trên cho "đằm". Việc này có tác dụng chống rung cho máy trong khi hoạt động. Những đầu CD xịn thường có bộ khung chắc khỏe, nặng tới 15 - 25 kg. Tại bộ nguồn của đầu, người ta cũng có thể thay dây tốt để tín hiệu truyền dẫn thông suốt hơn.
"Chế đồ có cái thú của nó vì mình học hỏi được nhiều điều từ anh em, bạn bè và cảm giác đó như là cuộc chơi không ngừng nghỉ", anh Cương bộc bạch. "Âm thanh biến đổi sau mỗi lần chế lại cho cảm giác khác lạ, dù hay dở vẫn tạo nên chất men kích thích để tìm tòi cách làm mới".
Từ việc phải nhờ thợ hàn đến "đẳng cấp" tự cầm mỏ hàn thao tác trên bảng mạch, những người DIY đi từ cảm giác căng thẳng, lo hỏng, lo... cháy nổ, đến niềm hân hoan khi tạo ra thế giới âm thanh của riêng mình, thấy các "cục" CD Player trở nên thân thiết, dễ hiểu và dễ điều khiển chứ không xa lạ như trước.