So với năm ngoái, giá thành của TV 3D cùng các phụ kiện đi kèm đang giảm. Nội dung 3D Blu-ray cũng được chăm chút và nhiều hơn.
TV 3D đang ngày càng được người tiêu dùng quan tâm hơn. (Ảnh: Tuấn Hưng).
Một năm trước, việc chọn một mẫu TV 3D thay vì HDTV thông thường có thể là một quyết định sai lầm. Ở thời điểm đó, nội dung 3D Blu-ray còn rất hạn chế trong khi giá thành của các loại TV màn hình 3D thường cao hơn nhiều so với HDTV thông thường. Trong khi đó cảm giác mới mẻ so với TV thông thường lại không quá lớn.
Tuy nhiên, khi TV 3D đang trở thành một dòng sản phẩm chủ đạo của nhiều hãng điện tử lớn với mức giá hợp lý hơn, chất lượng hình ảnh được cải thiện... thì thời điểm này đang rất thích hợp "lên đời" TV 3D.
Dưới đây là những lý do tại sao, theo Cnet Asia.
Nội dung 3D ngày càng phong phú.
Khi TV 3D được bán ra đầu tiên tại châu Á cuối năm 2010, chỉ có duy nhất một bộ 3D Blu-ray được phát hành, đó là Monster vs. Aliens. Trong khi việc chuyển đổi nội dung từ 2D sang 3D trên TV không cho hiệu quả hình ảnh như mong muốn. Người dùng lúc đó cảm thấy tính năng 3D trên HDTV thật sự không cần thiết.
Tuy nhiên, hiện tại, số lượng đĩa phim Blu-ray 3D đã lên tới con số vài chục, các bộ phim 3D bom tấn ngoài rạp hầu hết đều đã xuất hiện với phiên bản Blu-ray 3D như Avatar, Alice in Wonderland hay Tron: Legacy... Ngoài các bộ phim hành động, hoạt hình, người xem cũng có thể tìm mua phim khoa học hay tài liệu được xây dựng với các hiệu ứng 3D trên bản Blu-ray.
Ngoài nội dung 3D trên Blu-ray, người dùng tại châu Á cũng bắt đầu được thưởng thức nội dung truyền hình phát dưới dạng 3D. Tuy nhiên, dịch vụ này vẫn còn giới hạn, chỉ có tại một số quốc gia như Nhật, Hàn Quốc và Australia.
Giá TV 3D hợp lý hơn.
So với năm ngoái, giá TV trong năm nay thấp và hợp lý hơn khá nhiều.
Chỉ sau một năm xuất hiện trên thị trường, giá TV 3D đang giảm dần và tiến về một mốc hợp lý. Nếu như năm ngoái, người dùng phải bỏ ra vài chục triệu đồng mới có thể sở hữu một model 3D LCD 40 inch trở lên, thì hiện tại, chỉ với trên 10 triệu đồng là đã có thể có TV Plasma 3D kích thước 43 inch.
Năm ngoái, TV 3D đầu tiên tại châu Á Samsung C7000 40 inch có giá đắt hơn 33% so với một model 2D cùng loại màn hình. Trong khi năm nay, một model 3D 42 inch của LG chỉ còn đắt hơn 25% so với một mẫu 2D tương tự. Nếu ở thị trường Mỹ, mức chênh lệch này còn thấp hơn.
Giá kính màn trập giảm.
Một trong những yếu tố cản trở việc TV 3D tiếp cận người dùng là ở kính chuyên dụng. Thiết kế cồng kềnh, nặng nề, sử dụng pin và đi kèm với mức giá lên tới cả trăm USD.
Tuy nhiên, việc LG tung ra dòng TV Cinema 3D sử dụng kính phân cực giá rẻ (chỉ khoảng 10 USD) đã khiến các đối thủ như Samsung, Panasonic... phải giảm giá thành kính màn trập dành cho TV 3D chủ động. Mức giá của một mẫu kính 3D dành cho TV 3D 2011 của Samsung hiện chỉ còn một nửa so với các sản phẩm của năm 2010.
Thêm công nghệ mới dành cho TV 3D.
Cinema 3D, dòng TV 3D thụ động sử dụng kính phân cực giá rẻ của LG. (Ảnh: Tuấn Anh).
Trước tiên là việc LG sử dụng công nghệ 3D thụ động FPR với kính phân cực trên dòng TV Cinema 3D thế hệ mới. Kéo theo đó, một loạt hãng điện tử khác cũng tham gia sản xuất các TV 3D công nghệ này như Philips, Vizio, Toshiba....
Ưu điểm của công nghệ công nghệ 3D thụ động FPR là có chất lượng hình ảnh 3D ổn định, không bị nhiễu và bóng mờ như chủ động, ngoài ra chi phí đầu tư vào kính chuyên dụng cũng bớt tốn kém hơn nhiều lần so với 3D chủ động thông thường.
Trước sức ép đó, Samsung cũng tuyên bố sẽ cho ra mắt các mẫu TV 3D sử dụng công nghệ 3D thụ động hợp tác với RealD vào năm sau. Sự cải tiến và chăm chút cho công nghệ 3D trên TV chắc chắn sẽ đem lại nhiều lợi ích cho người sử dụng.
Chất lượng hình ảnh.
Sử dụng công nghệ 3D chủ động khiến HDTV gặp phải hiện tượng chồng hình, rung hay nhiễu hình, đặc biệt là trong không gian nhiều ánh sáng. Tuy nhiên, với một số dòng sản phẩm 3D chủ động đời mới của Sony và Samsung, các điểm yếu đó đang dần được khắc phục và cho ra chất lượng hình ảnh nổi ổn định hơn.
Trong khi đó, công nghệ 3D thụ động của TV 3D LG đang tạo được ấn tượng khi có khả năng hiển thị hình ảnh nổi mà không có sự rung hình hay bóng ma, đảm bảo khả năng trình diễn việc thưởng thức 3D trong thời gian dài hoặc dưới điều kiện nhiều ánh sáng.
Kết luận của Cnet Asia
Nếu là một người tiêu dùng có mức thu nhập trung bình, ưa thích xem phim HD thì TV 3D vẫn chưa thực sự cần thiết. Để có thể giải trí với TV 3D, người mua vẫn phải thêm chi phí tương đối cho các cặp kính chuyên dụng dành cho TV 3D chủ động. Thêm nữa, nếu đang dùng đầu đĩa Blu-ray, hệ thống âm thanh thông thường người mua cần phải nâng cấp lên sản phẩm hỗ trợ 3D để có thể đồng bộ và tương thích với TV 3D.
Mặt khác, nếu là một người ưa thích, đam mê công nghệ mới, việc giá thành TV 3D và các phụ kiện đi kèm đang giảm đi nhiều, số lượng nội dung 3D cũng phong phú hơn thì việc sở hữu TV 3D ở thời điểm hiện tại là một quyết định hợp lý. Người mua có thể chọn lựa một hệ thống trình diễn phim ảnh 3D tại gia với mức giá mềm, không chênh lệch hơn nhiều so với hệ thống 2D thông thường nhưng cảm giác trải nghiệm chắc chắn sẽ thú vị hơn.