Thế giới bên ngoài lãnh địa DSLR

Không phải cứ nhắc đến nhiếp ảnh chuyên nghiệp là nghĩ về DSLR Full Frame, bởi còn nhiều lãnh địa mà bản thân loại máy này cũng phải "bó tay".

Dù các máy DSLR đời mới đã chiếm phần lớn thị trường nhiếp ảnh chuyên nghiệp, nhưng vẫn còn rất nhiều lĩnh vực khác mà DSLR không thể giải quyết được. Khi đó, giới chuyên nghiệp phải nghĩ đến những sản phẩm máy ảnh còn chuyên nghiệp hơn.

Máy ảnh khổ trung (medium-format). Ảnh: Digitalphotopro.

Máy ảnh khổ trung (medium-format) là những máy ảnh có kích cỡ phim/cảm biến lớn hơn phim hay cảm biến trên các máy ảnh SLR thông thường (DSLR Full Frame hay bằng kích cỡ phim 34 x 26 mm). Trong thời đại ảnh số, máy ảnh khổ trung có thể lắp thêm lưng số (digital-back) có độ phân giải lớn hơn nhiều, kể cả so với các DSLR Full Frame hiện đại nhất. Không chỉ có vậy, do kích thước cảm biến lớn hơn, nên kích thước từng pixel cũng lớn hơn. Mà kích cỡ pixel lớn sẽ cho chất lượng hình ảnh tốt hơn, như màu sẽ chính xác, hỗ trợ độ sâu 16-bit màu thay vì 12 hay cùng lắm là 14-bit trên các DSLR Full Frame hiện thời, có dải tương phản động rộng hơn và cho độ chi tiết cao hơn.

Nhược điểm duy nhất của định dạng medium-format là khả năng chụp ISO cao kém. Các máy ảnh khổ trung không có độ nhạy ISO cao như trên các DSLR Full Frame, hơn nữa kể cả ở chế độ ISO cao thì các máy ảnh DSLR nhỏ hơn này vẫn có xu hướng hiển thị chất lượng ảnh tốt hơn. Nhưng kể cả có như vậy, thì medium-format vẫn cho chất lượng ảnh xuất sắc ở mọi lĩnh vực, chẳng hạn khi xét về tính năng chụp RAW của cảm biến do DxO Labs tiến hành, ngôi vị đầu bảng của Nikon D3x đã dễ dàng bị phiên bản khổ trung Phase One P65+ 60,5 triệu điểm ảnh đoạt mất.

Rất nhiều nhiếp ảnh gia về kiến trúc, phong cảnh, studio hay nghệ thuật đều ưa thích tính năng điều chỉnh phối cảnh và trường ảnh của các máy ảnh khổ lớn đời xưa thông qua khả năng cho phép tùy biến điều chỉnh nâng lên, hạ xuống hay xoay ngang ống kính. Với công nghệ nhiếp ảnh số phát triển và sự ra đời của thiết bị digital-back, có thể nói, giờ đây hầu hết các máy khổ trung hay khổ lớn đều đã gia nhập làng ảnh kỹ thuật số. Kể cả các nhiếp ảnh gia vốn chuyên chụp phim khổ lớn cũng có thể tận hưởng những lợi thế của nhiếp ảnh số bằng việc dùng các máy quét cao cấp quét phim thành ảnh vào máy tính. Còn người dùng DSLR Full Frame nếu muốn hoài cổ lại có thể chuyển máy của mình thành một dạng máy ảnh khổ lớn mini thông qua một bộ kit chuyển đổi, cho phép phần trước và thậm chí là phần sau của máy có thể dịch chuyển độc lập được.

Ngoài ra, còn một khoảng thị trường nhỏ cho những máy không kém phần chuyên nghiệp như DSLR Full Frame nhưng có hình dạng nhỏ nhắn hơn nhiều. Đó là các phiên bản Micro Four Third như Olympus E-P1; phiên bản máy compact nhưng cảm biến cỡ APS-C như Sigma DP1 và DP2; và còn Leica M8 và M8.2 nữa. Tất cả các máy này đều đáp ứng đầy đủ các tính năng của một máy chuyên nghiệp chuyên xử lý những tình huống khắt khe.

Các máy ảnh DSLR medium-format

Máy ảnh của Hasselblads. Ảnh: DigitalPhotoPro.

Các máy DSLR medium-format đời đầu thường đơn giản chỉ là lắp khối digital back vào sau một thân máy phim khổ lớn. Với sự phát triển hiện tại, có rất nhiều digital back có thể lắp vào các máy phim khổ trung hay khổ lớn (large-format) trước đây. Tuy nhiên, hiện nay các máy ảnh khổ trung đã bắt đầu được thiết kế theo hướng tương thích kỹ thuật số để có thể có cấu hình lĩnh hoạt hơn và hỗ trợ nhiếp ảnh số hiệu quả hơn.

Một trong các tên tuổi về máy ảnh khổ trung phải kể đến Hasselblads. Máy medium-format Hasselblad H3DII hiện có các phiên bản khủng từ 31, 39 đến 50 triệu điểm ảnh, cộng thêm phiên bản chụp liên tục 39 triệu điểm nữa. Ở chế độ chụp từng kiểu thông thường, các máy medium-format cũng chụp ảnh tương tự như DSLR Full Frame: bấm nút chụp ảnh, và ảnh được ghi vào máy. Chế độ này có thể dùng để chụp cảnh tĩnh hay cảnh động đều được. Còn với phiên bản chụp liên tục, máy ảnh cho phép chụp 4 kiểu liên tiếp nhau, trong đó kiểu đầu tiên chụp như ở phiên bản chụp từng kiểu thông thường, kiểu thứ hai cảm biến dịch lên 1 pixel, kiểu thứ 3 cảm biến dịch sang trái 1 pixel, và kiểu thứ 4 cảm biến dịch xuống 1 pixel. Thao tác dịch chuyển này nhằm đảm bảo thông tin về cả ba màu cơ bản đỏ, lục, lam được tối ưu tới từng điểm ảnh (do cấu tạo cảm biến là mỗi điểm ảnh chỉ bắt một trong 3 màu cơ bản và được xếp xen kẽ nhau, nên để 1 điểm ảnh có thông tin của cả 3 màu cảm biến sẽ tiến hành xê dịch lên xuống từng pixel để thu thập đầy đủ thông tin). Do kiểu chụp ảnh này mà các phiên bản chụp liên tục chỉ dùng để chụp ảnh tĩnh chứ không chụp ảnh động được (tuy nhiên phiên bản H3DII-39MS có thêm chế độ chụp từng kiểu, có thể được sử dụng để chụp đối tượng chuyển động).

H3DII-50 hiện là phiên bản medium-format mới nhất, tích hợp bộ xử lý kỹ thuật số tiên tiến nhất của Hasselblad nhằm cải thiện sai lệch thấu kính. Có khoảng 11 ống kính HC và HCD phù hợp cho các máy ảnh khổ trung series H, từ ống 28 mm f/4 tới 300 mm f/4 (gồm cả hai ống zoom). Bên cạnh đó series này cũng có thể lắp được các ống kính C-type qua adapter CF. Còn nếu có thêm adapter HTS, máy ảnh còn có thể nâng lên hạ xuống ống kính như những máy ảnh khổ lớn kiểu cổ với các ống kính tiêu cự từ 28 mm đến 100 mm. Phần lưng kỹ thuật số của phiên bản này có thể tháo rời và lắp vào các máy khổ lớn kiểu cổ thông qua một adapter. Tuy nhiên, một điều cần lưu ý là Hasselblads chỉ tương thích với digital back của hãng, còn của các hãng khác sẽ không lắp vừa.

Hasselblads còn giới thiệu mẫu medium-format 503CWD II, một phiên bản 16 triệu diểm ảnh trên nền thân máy phim series C. Máy cho phép chụp ảnh vuông với độ phân giải 4.080 x 4.080 điểm ảnh, sử dụng được tất cả các ống C và được bán với giá kit khoảng 12.000 USD (kèm ống và lưng). Cũng như các series H, digital back của phiên bản này có thể tháo ra và sử dụng trên các máy ảnh khổ lớn thông qua adapter và ngược lại khay đựng phim cũng có thể được lắp để sử dụng dễ dàng.

Mamiya 645ZDb. Ảnh: DigitalPhotoPro.

Các hãng khác như Leaf và Sinar thì bắt tay với Jenoptick khi phát triển các máy DSLR khổ trung. Vì thế, thân máy của các hãng này có thể lắp vừa các ống Zeiss và Schneide AFD (AutoFocus Digital), PQ và PQS cũng như các ống tương thích Rolleiflex 6008 với các tiêu cự đa dạng, từ 30mm tới 1000 mm.

Máy khổ trung Leaf AFi-II có ba phiên bản: phiên bản 10 với cảm biến 56 x 36 mm, độ phân giải 56 triệu điểm ảnh; phiên bản 7 với cảm biến 48 x 36 mm, độ phân giải 33 triệu điểm ảnh; và phiên bản 6 cảm biến 44 x 3 3mm, độ phân giải 28 triệu điểm ảnh. Cả hai phiên bản cấp cap 10 và 7 đều có các tính năng như Vector xoay cảm biến, cho phép ảnh có thể chụp theo định dạng ngang hay dọc; công nghệ SensorFlex cho phép cắt cúp trước bức ảnh thành những định dạng đặt trước trước khi chụp; và một màn hình LCD cảm biến 3,5 inch. Máy chỉ dùng một pin duy nhất dưới đế cấp nguồn cho cả thân máy và lưng kỹ thuật số. Ba model này có 3 digital-back riêng (tương ứng Aptus-II 10, 7 và 6).

Sinar thì có máy DSLR medium-format lấy nét tự động Hy6 và cũng có 3 phiên bản: e75 (33,3 triệu điểm ảnh, cảm biến Dalsa 48 x 36 mm); e54 (21,4 triệu điểm ảnh, cảm biến Dalsa 48 x 36 mm); và m54 (22,2 triệu điểm ảnh, cảm biến Kodak 49 x 36,7 mm). Với tay cầm xoay được nên màn LCD cũng có thể xem được ở nhiều góc độ khác nhau. Hình ảnh được hiển thị trên LCD rộng 2,5 inch, đèn flash đồng bộ ở tốc độ khá nhanh 1/1000 giây (ưu việt hơn trên DSLR Full Frame). Cả thân máy và digital-back đều có khay pin riêng. Digital-back của AFi-II và Hy6 đều có thể tháo ra và dùng lẫn với các máy ảnh khổ trung và khổ lớn khác.

Tiếp theo phải kể đến tên tuổi Mamiya. Máy Mamiya 645ZDb bản chất là một thân khổ trung Mamiya AFD III lắp thêm digital-back Mamiya ZDb 22 triệu điểm ảnh và ống Sekor AF 80mm f/2.8 D. Giá cả cho một bộ kit này khá hợp lý, chỉ dưới 11.000 USD. Lưng kỹ thuật số ZDb chứa cảm biến CCD kích cỡ 36 x 48 mm, có độ phân giải 21,5 triệu điểm ảnh. Lưng này cũng hỗ trợ khe cắm thẻ CF và SD, có màn hình LCD 1,8 inch và hỗ trợ khe lắp kính lọc bán rời. Máy có thể chụp liên tiếp 22 bức ảnh với tốc độ 1,2 khung hình/giây, độ nhạy sáng ISO từ 50 tới 400. Không như Hasselblads, máy hỗ trợ khá nhiều digital-back khác nhau.

Cambo X2-Pro. Ảnh: DigitalPhotoPro.

Phase One, một tên tuổi đình đám khác với phiên bản Phase One 645 cũng có những tính năng tương tự như của Mamiya (dùng thân và chấu kính của Mamiya, tốc độ cửa trập từ 60 – 1/4000 và các chế độ B, X, lấy nét tự động TTL) nhưng digital-back là Phase One P+, có độ phân giải từ 16 tới 60,5 triệu điểm ảnh. (Lưng kỹ thuật số này cũng có nhiều phiên bản lắp cho các máy khổ trung, khổ lớn cũng như các máy ảnh kỹ thuật khác nhau). Phase One P+ ứng dụng công nghệ cảm biến Sensor+ của Phase One cho phép chụp ở độ phân giải cao nhất hay chỉ 1/4 độ phân giải (15 triệu điểm ảnh) để có tốc độ nhanh hơn và ISO cao hơn (4 lần).

Các ống kính định dạng Mamiya 645 có thể được sử dụng cho cả máy Mamiya 645ZDb lẫn Phase One 645, thêm vào đó là loạt các ống Phase One Digital AF do Mamiya sản xuất, từ ống 28mm f/4.5 tới 150mm f/2.8, từ zoom 75-150mm f/4.5 tới ống macro lấy nét tay 120mm f/4.

Phase One hiện mới phát triển thêm digital-back mới 40+ (bán rời hay đi kèm với các máy Phase One P+) với tính năng 2 trong 1: Chụp ảnh ở 40 triệu điểm ảnh khi bạn cần độ phân giải cao và chụp 10 triệu điểm ảnh khi bạn cần tới ISO 3200 hoặc tốc độ chụp liên tiếp nhanh hơn gấp đôi (1,8fps so với 1,2fps). Cả hai chế độ này đều hỗ trợ chụp ảnh 16-bit màu và dải tương phản động 12.5-stop. Bí quyết được sử dụng ở đây là gộp các pixel lại. Máy sẽ kết hợp dữ liệu thu được từ 4 pixel riêng lẻ thành một gói dữ liệu đồng nhất, gộp mỗi 4 pixel kích cỡ 6x6 micron thành một siêu pixel kích cỡ 12x12micron để thu được lượng ánh sáng hiệu dụng hơn. Bên cạnh tính năng tăng ISO và tốc độ chụp, chế độ 10 triệu điểm ảnh của cảm biến Sensor+ còn làm cho ảnh có kích thước nhỏ đi nhiều, rất hữu dụng trong nhiều trường hợp cần thêm không gian lưu trữ.

Tháng 7 vừa rồi, Phase One cho biết đang tập trung đầu tư phát triển công nghệ ảnh số của Mamiya và mua lại Leaf sau khi Franke & Heidecke, hãng sản xuất cả Leaf AFi-II và Sinar Hy6 tuyên bố dừng hoạt động kể từ tháng 9/2009. Sự hợp nhất phát triển của Phase One trong lĩnh vực máy ảnh khổ trung và digital-back rất có thể sẽ đe, đến cho giới nhiếp ảnh những sản phẩm chuyên nghiệp hơn trong tương lai.

Tuy nhiên, mỗi thương hiệu sản xuất máy ảnh medium-format hay hộp digital-back đều có những phần mềm riêng của hãng, vì thế nó sẽ tác động tới quyết định của bạn về việc chọn hệ thống nào sẽ là phù hợp nhất. Chẳng hạn, Phase One thì có phần mềm Capture One vốn đã rất thông dụng trong việc chuyển định dạng RAW giữa các máy ảnh của các hãng khác nhau, kể cả giữa các máy DSLR full-frame. Nhưng cho dù mỗi gói phần mềm có những ưu và nhược riêng, thì không thể phủ nhận các phiên bản medium-format này đều tạo ra những bức ảnh cực kỳ hoàn hảo. Vì thế việc lựa chọn đôi khi chỉ là sự ưa thích cá nhân của người chụp với một thương hiệu nào đó mà thôi.

Thứ Hai, 17/08/2009 08:26
31 👨 312
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp