Chỉ mới 8 tuổi, tuy nhiên cậu bé Shafay Thobani, sống tại Pakistan đã khiến không ít người phải “ngã mũ thán phục” khi đã nhận được bằng chứng nhận chuyên gia công nghệ do Microsoft cấp, một điều mà nhiều người trưởng thành không làm được.
Bill Gates có thể trở thành tỷ phú tự tay làm nên sự nghiệp trẻ tuổi nhất thế giới khi thành lập ra Microsoft, còn Shafay Thobani được nhiều người xem là “hậu duệ” của Gates khi đã trở thành chuyên gia trẻ tuổi nhất của Microsoft khi mới ở tuổi lên 8.
Thay vì đắm chìm vào các trò chơi điện tử, những thứ đồ chơi trẻ con hay các môn thể thao như các cậu bé cùng trang lứa khác, Shafay đã phải trải qua 13 tháng khổ luyện liên tục để tham gia vào cuộc thi để nhận chứng chỉ Chuyên gia công nghệ của Microsoft (MCTS - Microsoft Certified Technology Specialist).
Cậu bé Shafay Thobani đã nhận được chứng chỉ của Microsoft khi mới 8 tuổi, một điều mà nhiều người lớn không thể làm được
Cậu bé người Pakistan này đã có thể “làm chủ” được các giao thức Internet phức tạp và cấu hình hệ thống domain trên Windows 7 và Windows Server 2008. Từ đó, Shafay Thobani đã đạt được số điểm 91/100 trong cuộc thi cấp chứng chỉ của Microsoft để trở thành chuyên gia công nghệ khi mới 8 tuổi.
Cha của Shafay, tiến sĩ Shau Thobani, hiện đang là CEO của hãng công nghệ Thobson Technologies cho biết đã giới thiệu Shafay với thế giới công nghệ ngay từ lúc cậu bé còn rất nhỏ.
“Khi mới 3 tuổi, tôi đã thấy cháu nó có niềm đam mê với các thiết bị điện tử hơn là các đồ chơi trẻ con. Tôi đã nhận thấy điều khác biệt ở Shafay”, ông Shau Thobani cho biết.
“Bởi vì tính chất công việc của tôi, Shafay được sinh ra trong một thế giới công nghệ và đó có thể là nguồn gốc để sinh ra tình yêu với máy tính của cậu bé”, ông Shau cho biết thêm. “Cháu rất thông minh, có thể giải những phép toàn phức tạp bằng tay mà không cần phải sử dụng máy tính”.
“Tôi cảm thấy mình là người cha may mắn nhất thế giới bởi vì cứ mỗi ngày trôi qua, tôi lại nhận được những lời khen ngợi của giáo viên dành cho Shafay.”, ông Shau tự hào nói. “Mối năm, tôi lại mang cho Shafay những thử thách mới để khuyến khích cháu”.
Shafay bắt đầu làm quen với máy tính từ năm 3 tuổi
Được biết, để có được thành công của ngày hôm nay, Shafay đã phải trải qua một quá trình rèn luyện hết sức vất vả.
Từ năm 7 tuổi, Shafay bắt đầu nghiên cứu để vượt qua các bài thi cần thiết để trở thành một chuyên gia của Microsoft. Trải qua 13 tháng với một lịch trình nghiêm ngặt, đi học từ 7 rưỡi sáng đến 1 rưỡi chiều rồi đến các lớp học máy tính tại văn phòng của cha mình từ 2 rưỡi chiều đến tận 8 rưỡi tối.
Mặc dù học tập căng thẳng và vất vả, cha của Shafay cùng những người thầy hướng dẫn cậu bé cũng không quên rằng cậu bé mới 9 tuổi, do vậy có riêng một khu vực giành cho các trò chơi giải trí mà cậu bé yêu thích như cờ vua, phóng phi tiêu, máy chơi game…
Ông Shau cũng cho biết sẽ không ép buộc cậu bé Shafay phải theo một con đường nghệ nghiệp nào trong tương lai mà sẽ tự để cậu bé quyết định theo sở thích của mình. Đây được xem là một hành động hiếm gặp ở Pakistan khi mà ở quốc gia này, phụ huynh thường ép buộc con em mình phải theo những nghề nghiệp được cho là “cao cấp”.
Ông Shau Thobani, cha của Shafay, rất tự hào về cậu con trai của mình
Mặc dù nhận được chứng chỉ của Microsoft không có nghĩa rằng tương lai nghề nghiệp của cậu bé có thể mở cửa tại Microsoft, tuy nhiên hãng phần mềm Mỹ cho biết đây là một chứng nhận cho thấy những kiến thức cao về công nghệ của người được nhận chứng chỉ.
“Microsoft không giới hạn độ tuổi cho những ai tham gia”, Thomas Jensen, phát ngôn viên của Microsoft cho biết. “Tuy nhiên nhận được chứng chỉ của chúng tôi chứng tỏ rằng những người đó sẽ có những hiểu biết cao về công nghệ của Microsoft nói riêng và công nghệ nói chung”.
Trước đó, cô bé M. Lavinashree, sinh ra tại vùng nông thôn Tamilnade ở Ấn Độ đã trở thành kỹ sư mã nguồn mở hệ thống (RHCE) trẻ nhất thế giới do Microsoft trao tặng khi mới tròn 10 tuổi.
Được biết Bill Gates, nhà đồng sáng lập của Microsoft cũng rất khuyến khích những thần đồng tin học nhỏ tuổi nghiên cứu và tìm hiểu công nghệ. Theo Bill Gates, không bao giờ là quá sớm hay quá muộn để học hỏi hay nghiên cứu một vấn đề gì đó, đặc biệt là công nghệ.