Họ là hai “đại gia” của làng bảo mật CNTT thế giới nên luôn đối đầu quyết liệt với nhau nhưng có điều họ đang bỏ quên những đối thủ không kém phần nguy hiểm khác.
Đã từ lâu thế giới CNTT không còn lạ lẫm gì với cả hai tên tuổi hàng đầu của lĩnh vực bảo mật là Symantec và McAfee bởi họ vẫn thường xuyên ồn ào với nhau, đe dọa nhau, chỉ để phục vụ cho một mục đích duy nhất là hạ bệ đối thủ.
“Chạy đua vũ trang”
Nhưng thời gian gần đây, thế giới lại được chứng kiến cuộc chiến giữa 2 đối thủ này đã được đẩy lên một mức độ “ác liệt” hơn hẳn với quyết tâm “hạ gục” hoàn toàn đối thủ để độc chiếm ngôi đầu thị trường bảo mật. “Hiếu chiến” nhất và cũng là đối thủ có quyết tâm cao nhất là McAfee với hàng loạt hợp đồng với các hãng sản xuất PC nhằm đưa sản phẩm của mình xuất hiện nhiều hơn nữa trên những chiếc máy tính mới được đưa ra thị trường nhằm chiếm đoạt vị trí dẫn đầu của Symantec.
Lĩnh vực bảo mật CNTT luôn "nóng" trên nhiều tất cả các góc độ. (Ảnh minh họa) |
Từ nhiều năm qua, McAfee vẫn được coi là kẻ thất bại, kẻ “luôn phải đi sau và nhặt nhạnh những gì Symantec bỏ sót hoặc rơi vãi”. Song mọi sự đã thay đổi kể từ khi David G. DeWalt rời bỏ vị trí Giám đốc kinh doanh của EMC để chuyển sang điều hành McAfee. Chiến lược của McAfee cũng đã được thay đổi với việc hãng đổi mới và mở rộng mạnh mẽ các nhóm sản phẩm của mình, thâu tóm thêm một số đối thủ nhỏ và thúc đẩy việc bán hàng cho các nhóm khách hàng doanh nghiệp. Kết quả là nếu không có điều gì đột biến xảy ra, McAfee sẽ vượt qua Symantec trong phân khúc thị trường doanh nghiệp vào đầu năm tới.
Tuy vậy, theo số liệu mà hãng nghiên cứu thị trường Gartner đang có, McAfee sẽ còn phải đi một chặng đường rất dài nữa mới có thể hạ bệ được Symantec bởi đối thủ này hiện vẫn đang là “kẻ thống trị tuyệt đối” thị trường bảo mật với thị phần nhiều gấp đôi McAfee.
Trong lĩnh vực bán lẻ, Symantec đang chiếm 52% thị phần với doanh thu 1,8 tỷ USD trong năm 2008, cao hơn hẳn mức 18% thị phần và 624 triệu USD doanh thu của McAfee. Thêm vào đó, các đối thủ của cả 2 đại gia này như Trend Micro, CA hay Kaspersky cũng đang chạy đua ráo riết không kém.
Nhưng cùng gánh chịu thiệt hại
Trong cuộc chiến này, cái giá mà McAfee phải trả là không hề rẻ, ít nhất là về mặt tài chính. Riêng trong năm 2008, McAfee đã phải bỏ ra tới 55 triệu USD, nhiều hơn bất kỳ một đối thủ nào, để đưa phần mềm diệt virus của họ vào cài đặt sẵn trong máy tính chuẩn bị xuất xưởng của các hãng như Dell, Acer, Toshiba, Sony hay Lenovo... Theo thống kê của hãng Jefferies & Company, gần 40% lượng máy tính mới bán ra thị trường trong năm nay có chứa phần mềm diệt virus của McAfee.
Nhưng McAfee vẫn chưa dám “mạnh miệng” tuyên bố là mình đã giành thế thượng phong trước Symantec bởi một lẽ, HP - hãng sản xuất máy tính lớn nhất thế giới vẫn đang là bạn hàng thân thiết của Symantec. Ông DeWalt tuyên bố sẵn sàng “tham chiến” để kéo HP về với mình khi bản hợp đồng với Symantec kết thúc. “Trước kia, họ không có nhiều đối thủ cạnh tranh nhưng lần này thì khác và họ sẽ phải chiến đấu thực sự để giữ lại khách hàng của mình”, DeWalt nói.
Tuy nhiên, ông giám đốc Salem của Symantec cho biết nếu McAfee bỏ thầu với giá quá cao, Symantec sẽ rút lui và để dành khoản tiền đó cho việc phát triển các sản phẩm khác. Chưa biết là Symantec có “rút lui” thật hay không nhưng ít nhất đến thời điểm này, cả McAfee và Symantec đều phải gánh chịu những tổn thất nhất định vì cuộc chiến “huynh đệ tương tàn”. Theo số liệu nghiên cứu thị trường của Gartner, bất chấp cả 2 đã tiêu tốn khá nhiều tiền bạc nhưng McAfee chỉ có thể gia tăng 0,5% thị phần trong khi Symantec tiếp tục mất thêm 4%.
Nhưng điều khiến cả McAfee và Symantec lo lắng nhất không phải là có hạ bệ được nhau không mà chính là việc họ sẽ đối phó thế nào với xu thế các hãng bảo mật khác đua nhau tung ra những chương trình miễn phí.
Hai “ông lớn” đến nay vẫn một mực khẳng định rằng người dùng không nên tin tưởng vào những phần mềm miễn phí. “Cuộc chiến chống virus máy tính đòi hỏi chúng ta phải đầu tư một cách thực sự cả về thời gian và tiền bạc”, một lãnh đạo cao cấp của Symantec mới đây đã phát biểu.
“Năm ngoái, chúng tôi nhận thấy rằng số lượng mã độc đã tăng thêm khoảng 500%”, ông DeWalt cho biết.