Thực hư về vai trò của Steve Jobs trong cương vị Chủ tịch Apple vẫn đang còn là câu hỏi. Tuy nhiên giới chuyên gia nhận định đây sẽ là vị trí nằm giữa "quyền lực" và "hữu danh vô thực".
Đối với hầu hết các công ty, CEO đóng vai trò như một tiền vệ trong trận bóng đá, người luôn đảm bảo trận đấu diễn ra theo chiến thuật, trong khi chức Chủ tịch giống như huấn luyện viên trưởng, người cho bức tranh toàn cảnh về cuộc chơi.
Người ta không rõ công việc thực sự của Jobs với chức danh Chủ tịch là gì. Đây có thể là nơi Jobs đưa ra lời khuyên cho CEO của mình, hoặc có thể là chiếc ghế ông ngồi trong chiến lược ra đi của mình.
Steve rời ghế CEO nhưng tiếng nói của ông tại Apple vẫn rất quan trọng. Ảnh: ibnlive.com
Vai trò của Chủ tịch đã trở nên rõ ràng hơn trong vài năm qua, nhất là trong thế giới công nghệ. Những lãnh đạo tài năng và có thời gian công tác lâu dài thường kiêm luôn hai chức CEO và Chủ tịch để kiểm soát tốt hơn các công ty của họ.
Nhưng các nhà đầu tư quan tâm tới việc điều hành và nắm quá nhiều quyền lực khiến không ít công ty đã phải tách đôi hai vị trí này, với CEO quản lý việc hoạt động hàng ngày còn Chủ tịch sẽ chủ yếu để ý tới các mối quan tâm của cổ đông.
Các chức danh Chủ tịch cũng rất khác nhau. Đồng sáng lập và Chủ tịch của Nike, ông Phil Knight, vẫn nắm quyền lực khổng lồ tại đây và tạo ra nhiều thay đổi trong ban điều hành công ty. Trong khi đó, Chủ tịch Eric Schmidt của Google lại gần như không có quyền lực khi người điều hành vẫn là CEO Larry Page và Sergey Brin.
Các nhà phân tích cho rằng vai trò của Jobs nằm khoảng giữa của hai ví dụ trên. Cựu CEO Apple đã nhường hết quyền điều hành sang cho Tim Cook, nhưng tiếng nói của ông vẫn đầy sức mạnh trong chuyện dẫn dắt bước đi của Apple.
Jobs thay vị trí của William Campbell, Chủ tịch kiêm cựu CEO của Intuit.
Tuy nhiên, không ít người tin rằng vai trò của Chủ tịch thời gian gần đây đã thay đổi rõ rệt. Trip Chowdhry, chuyên gia phân tích tại công ty nghiên cứu Global Equities cho biết chức danh này đã trở thành lựa chọn đầy lịch thiệp để đưa một CEO ra khỏi công ty. Khi CEO Ivan Seidenberg của hãng truyền thông Verizon từ chức, ông vẫn giữ chức Chủ tịch của mình do Lowell McAdam tiếp quản trước đây.
Trong trường hợp của Apple, Chowdhry tin rằng Jobs đã vạch ra lộ trình cho 3 năm tới và nhẹ nhàng rút khỏi công ty. Chowdhry nói: "Jobs đang tự tách mình ra khỏi Apple. Tôi cho rằng ông ấy đã đưa ra những hướng đi cho sự phát triển của Apple".
Ban lãnh đạo có xu hướng tách trách nhiệm của Chủ tịch do sự hối thúc của các nhóm cổ đông và giới đầu tư, những người tin rằng việc nắm giữ cả hai vị trí CEO và Chủ tịch sẽ gây xung đột về quyền lợi.
Mặc dù vậy, rất nhiều công ty vẫn do các CEO kiêm Chủ tịch điều hành. Michael Dell vẫn nắm toàn quyền tại công ty do chính ông sáng lập. Năm 2007, Dell và ban lãnh đạo đã cho Kevin Rollins nghỉ việc để có thể nắm mọi quyền điều hành.
Công ty viễn thông AT&T cũng chọn con đường tương tự với Randall Stephenson giữ cả hai chức vụ, giống người tiền nhiệm Ed Whitacre.
Nhưng đôi khi quyết định này cũng có những hệ lụy. Năm ngoài, công ty Hewlett-Packard (HP) như "rắn mất đầu" khi Mark Hurd bị buộc từ chức do liên quan tới bê bối tình dục. Mark là CEO kiêm Chủ tịch. Bốn năm trước đó, chính ông này là người thâu tóm hai chức vụ trên thành một vị trí. HP đã có bài học cho riêng mình và tháng 10/2010, họ bổ nhiệm Leo Apotheker làm CEO, Raymond Lane trở thành Chủ tịch, tách biệt nhiệm vụ với Leo.
Apple đã may mắn vì không rơi vào cảnh thảm họa của HP. Với Jobs, Apple sẽ có một vị Chủ tịch với tầm nhìn mạnh mẽ vào bước đường của công ty, ngay cả khi ông không điều hành nó.