Cuốn sách của Walter Isaacson ghi lại những câu chuyện được chính Steve Jobs kể lại và giải đáp nhiều thắc mắc của giới công nghệ về nhà đồng sáng lập Apple, vốn rất kín kẽ và không bao giờ lên tiếng trước các tin đồn.
Khi biết mình không còn sống được bao lâu, Steve Jobs nghĩ đến chuyện viết tiểu sử, chia sẻ bí mật về cuộc đời. Ông chọn Walter Isaacson, từng là chủ bút của Time và CNN, thực hiện điều này từ năm 2004. Tuy nhiên đề nghị đó bị Isaacson từ chối và nghĩ rằng Jobs đang muốn đặt bản thân ông ngang hàng với Benjamin Franklin và Albert Einstein (Isaacson đã viết sách về hai nhân vật này trước đó).
Sau này, tác giả nhận ra Jobs đặt vấn đề ngay trước cuộc phẫu thuật ung thư đầu tiên. Mãi tới năm 2009, Isaacson mới bắt đầu viết. Trong 2 năm, ông thực hiện hơn 40 buổi trò chuyện nhà đồng sáng lập Apple và phỏng vấn khoảng 100 người thân, bạn bè và đối tác của Jobs. Isaacson hoàn toàn tự do khi viết sách bởi Jobs từ chối quyền đọc bản thảo và không can thiệp vào nội dung. Nhưng vợ ông, bà Laurene Powell, nói trước rằng: "Có những phần trong cuộc đời và tính cách của Jobs là một đống hổ lốn và ông không nên 'làm sạch' chúng. Tôi muốn thấy những gì được kể một cách chân thực nhất".
Steve Jobs. (Ảnh: AP).
Trước ngày cuốn tiểu sử mang tên Steve Jobs được phát hành hôm nay (24/10), Isaacson tham gia chương trình "60 Minutes" nổi tiếng ở Mỹ để nói về tác phẩm. Lời đầu tiên ông muốn nhấn mạnh là cho dù Jobs được nhiều người yêu mến vì sự sáng tạo, tài diễn thuyết, niềm đam mê..., ông ấy không phải là người "mềm mại và dễ chơi".
Steve Jobs cay nghiệt và đầy lỗi lầm
"Ông ấy nóng nảy, hay giận dỗi. Ông ấy rất 'dễ vỡ' và đôi khi tỏ ra nhỏ nhen. Dù đó là một nhân viên đã thức cả đêm để viết mã (coding), ông đơn giản nói rằng: "Cậu làm sai rồi. Thật kinh khủng". Vì sao Jobs khắc nghiệt thế? Bởi ông ấy muốn thấy sự hoàn hảo ở người khác và cũng đối xử như thế với bản thân", Isaacson cho hay.
Khi Apple phát hành cổ phiếu, Steve Wozniak (người sáng lập thứ hai tại Apple) cực kỳ hào phóng trong việc chia sẻ cổ phiếu, cố gắng biến mọi người thành triệu phú. Jobs thì ngược lại, ông lạnh lùng trong việc xem xét ai được và không được hưởng, dù đó là những người đồng hành với ông trong giai đoạn khó khăn.
Đó không phải là ví dụ duy nhất thể hiện tính cách tàn nhẫn của ông. Vào thời điểm này, bạn gái ông có thai và sinh một bé gái có tên Lisa. Jobs, được sinh ra khi cha mẹ chưa kết hôn và bị bỏ rơi, vẫn thẳng thừng từ chối sự ràng buộc với cô bé và không chịu chu cấp cho hai mẹ con cho đến khi tòa án can thiệp (ông còn tuyên bố trước tòa là mình bị vô sinh).
Ông có một chiếc xe Mercedes không biển số vì "không muốn mọi người theo dõi tôi", nhưng sau đó thừa nhận lời Isaacson rằng: "Không biển số thực ra lại càng dễ gây chú ý hơn. Tôi vốn khác biệt".
"Ông ấy không phải nhà quản lý giỏi. Thực ra, ông ấy là một trong những nhà quản lý tồi nhất. Ông ấy ném mọi thứ vào đống hỗn độn. Điều đó tạo ra các sản phẩm tuyệt vời, nhưng không làm nên một phong cách quản lý đáng ngưỡng mộ", tác giả cuốn tiểu sử khẳng định.
Đây là một trong số những lý do Jobs bị "đá" (từ của Isaacson) khỏi Apple. Jobs bán toàn bộ cổ phiếu để thành lập NeXT Computer, sản xuất những cỗ máy tính thú vị nhưng đắt đỏ và không ai mua. Nhưng ông cũng bỏ ra 5 triệu USD để cứu một công ty nhỏ - Pixar Studios - và làm nên cuộc cách mạng phim hoạt hình máy tính, biến ông thành tỷ phú.
Ngược lại, Apple tụt dốc và một thập kỷ sau khi Jobs rời đi, họ buộc phải mua lại NeXT để mời Jobs về làm nhà cố vấn vào năm 1997. Khi đó, Apple còn khoảng 3 tháng trước khi chính thức phá sản. Họ hết sạch tiền và lạc lối. Jobs vẽ một bảng biểu gồm Chuyên gia, Người dùng tại các hộ gia đình, Laptop, Desktop và nói Apple sẽ tập trung sản xuất bốn sản phẩm này. Tiếp đó, ông sa thải 3.000 nhân viên và tiến hành chiến dịch Think Different, đánh dấu sự hồi sinh ngoạn mục nhất trong lịch sử phát triển máy tính và họ thực sự đã thay đổi thế giới.
Khi ông qua đời vào ngày 5/10/2011, Apple trở thành công ty giá trị thứ nhì thế giới, theo sát Exxon-Mobil. Ông đã cách mạng hóa hoặc định hình lại 7 lĩnh vực: máy tính cá nhân, phim hoạt hình, phân phối nhạc, điện thoại, máy tính bảng, xuất bản nội dung số và cửa hàng bán lẻ. Ông thực hiện điều đó bằng cách đứng ngay điểm giao cắt giữa khoa học và nhân loại, kết nối sự sáng tạo trong công nghệ và trí tưởng tượng để tạo ra những thiết bị mới mà con người không cần nghĩ nhiều về nó hay phải học cách sử dụng nó.
"Đó là điều Microsoft không thể làm vì họ chỉ sản xuất phần mềm nhưng không có phần cứng. Đó là điều Sony không thể làm bởi họ cho ra đời vô số thiết bị nhưng không thực sự có một hệ thống phần mềm hoàn chỉnh", Isaacson nhận định.
Steve Jobs từng gặp cha đẻ
Jobs vẫn biết mình là con nuôi, nhưng có lần ông đã chạy ra khỏi nhà và khóc như mưa khi có người nói ông bị bỏ rơi vì cha mẹ đẻ không mong muốn ông vào thời điểm đó. Cha mẹ nuôi sau đó giải thích thực ra họ đã chọn ông. "Từ đó tôi biết tôi không bị bỏ rơi. Bố mẹ đã chọn tôi. Tôi là người đặc biệt", Jobs nói. Isaacson cho rằng chi tiết này chính là "chìa khóa" để hiểu cách suy nghĩ của Jobs.
Cha nuôi, Paul Jobs, cũng là người đã hướng dẫn Jobs tạo nên những điều vĩ đại. Một lần, họ cùng làm hàng rào. Ông nhắc con trai: "Con cần sơn mặt sau hàng rào, phía chẳng ai nhìn thấy, cũng bóng bảy như mặt trước. Ngay cả khi mọi người không thấy, con biết đấy, điều đó thể hiện con đã toàn tâm toàn ý tạo ra một thứ gì đó hoàn hảo".
Vào thập niên 80 của thế kỷ trước, Jobs và cha đẻ từng gặp nhau nhưng cả hai đều không hay. "Mãi sau này tôi mới biết hóa ra ông ấy quản lý một cửa hàng ăn và tôi từng đến đó vài lần. Tôi hiểu thêm một chút về cha, nhưng tôi không thích những gì tôi biết nên đã nhắc em gái không kể bất cứ chuyện gì về tôi", Jobs kể.
Một số chi tiết khác trong cuốn tiểu sử
Jobs cho hay đã chứng kiến tiền bạc ảnh hưởng đến cuộc sống của mọi người ở Apple như thế nào và thề sẽ tránh sống xa hoa: "Tôi không để tiền bạc hủy hoại cuộc đời tôi. Bill Gates cuối cùng đã là người giàu nhất thế giới. Tôi không biết đó có phải mục tiêu của ông ấy không, nhưng nếu đúng thì ông ấy đã đạt được rồi. Nhưng đó không phải đích đến của tôi".
Nhà đồng sáng lập Apple tỏ ra ưu ái Facebook: "Tôi ngưỡng mộ CEO Facebook Mark Zuckerberg. Tôi chỉ biết một chút về cậu ta nhưng rất ngưỡng mộ vì Mark đã không bán lại công ty. Vì cậu ấy thực sự muốn tạo ra một công ty".
Jobs gặp vợ lần đầu năm 1990 và họ trao đổi số điện thoại. Sau đó, ông có một cuộc gặp gỡ đối tác. "Tôi cầm chìa khóa xe trong tay và nghĩ, nếu đây là đêm cuối cùng của tôi trên đời, tôi nên dùng nó làm việc, hay đi với người phụ nữ ấy? Cuối cùng, tôi chạy đến và hỏi cô ấy có thể ăn tối với tôi hay không. Cô ấy đồng ý", Jobs nói.
Ông tỏ ra hối hận vì đã trì hoãn cuộc phẫu thuật mà đáng lẽ đã cứu được cuộc đời ông. Khi đó, ông nghĩ việc mổ xẻ cơ thể ông là một sự xúc phạm. Chỉ 9 tháng sau đó, Jobs mới tham gia phẫu thuật nhưng ung thư đã lan đến các tế bào xung quanh tuyến tụy.
Jobs nói với cựu CEO Apple John Scully rằng nếu không thành lập Apple, ông sẽ đến Paris làm nhà thơ.
Jobs chỉ tải một cuốn sách trên máy iPad 2 là An Autobiography of a Yogi. Mỗi năm ông đọc nó một lần từ khi còn niên thiếu.
Bill Clinton đã gọi điện cho Jobs khi đang gặp rắc rối vì scandal chấn động với Monica Lewinsky. Ông nói với cựu tổng thống Mỹ rằng: "Nếu chuyện này có thật, ông nên nói với cả nước".
Jobs chia sẻ với Isaacson rằng ông muốn thực hiện cuộc cách mạng TV tương tự ông đã làm với máy tính, máy nghe nhạc và điện thoại: biến chúng trở lên đơn giản và trang nhã. "Nó sẽ có giao diện đơn giản nhất mà bạn có thể hình dung. Và cuối cùng, tôi đã tìm ra cách". Có lẽ, sản phẩm đột phá tiếp theo của Apple sẽ liên quan đến TV.
Jobs đã có nhiều quyết định lớn nhưng ban đầu ông từ chối một trong những sáng kiến quan trọng với Apple sau này: Ứng dụng. Art Levinson, thành viên ban quản trị, đã phải gọi điện cho ông ít nhất cả chục lần để thuyết phục. Và ông đã đổi ý.
Chuyên gia thiết kế Jonathan Eve nắm quyền lực cao nhất tại Apple sau ông. "Hầu hết mọi người trong cuộc đời Jobs đều có thể thay thế được. Nhưng không phải Jony", vợ Jobs khẳng định.
Jobs từ bỏ đạo Cơ đốc từ năm 13 tuổi khi ông thấy những đứa trẻ chết đói trên bìa tạp chí Life. Sau một chuyến đi tới Ấn Độ khi còn trẻ, tính giản đơn trong đạo Phật đã ảnh hưởng đến các cảm nhận về thiết kế của Jobs sau này.
Tuy nhiên, vào những ngày cuối đời, ông nghĩ nhiều hơn về Chúa và thế giới bên kia. "Đôi khi, tôi tin vào Chúa. Đôi khi tôi lại không. Nhưng từ khi bị ung thư, tôi bắt đầu tin hơn. Có thể vì tôi tin vào cuộc sống mới sau cái chết. Cái chết có lẽ giống như một sự bật/tắt công tắc vậy".