Hầu hết các tài liệu viết về cuộc đời của "người thuyền trưởng vĩ đại" đã chèo lái con thuyền Apple tới đỉnh cao thành công, cố Giám đốc điều hành Steve Jobs, đều nói rằng, ông từng bị sa thải khỏi Apple vào đầu những năm 1980. Nhưng sự thật chưa hẳn là như vậy.
Steve Jobs và John Sculley, "cặp đôi từng một thời rất ăn ý của Apple" - Ảnh: Cultomac.
Thậm chí, các tài liệu còn cho rằng, Jobs và Apple đã không có một cuộc chia êm đẹp và nhẹ nhàng như những cuộc chia tay thông thường khác, thông báo sa thải ông được công bố rộng rãi, phũ phàng. Steve Jobs ra khỏi công ty mình sáng lập theo cách không thể nặng nề hơn.
Và sau này, nhất là khi Apple vươn mình mạnh mẽ sau sự trở lại của Steve, nhiều nhà phân tích, bình luận cũng như giới công nghệ trên toàn thế giới cho rằng, việc Apple sa thải nhà sáng lập của mình những năm 1980 là sai lầm không thể bỏ qua của hãng này và cũng là điều tiếc nuối nhất của thế giới công nghệ trong 20 năm trở lại đây.
Theo trang công nghệ Phone Arena, những cuốn hồi ký như vậy về Jobs rất có thể phải được viết lại giai đoạn này. Bởi chính John Sculley, người được Jobs đưa về Apple giai đoạn đó và cũng là "tác nhân" chính dẫn tới việc Jobs từ bỏ hãng công nghệ này, mới đây đã tiết lộ rằng, Jobs chưa từng bị sa thải mà là ông tự rời Apple.
Năm 1983, Jobs đã mời Sculley về Apple. Sculley từng là giám đốc điều hành của hãng đồ uống Pepsi với những thành tích thật sự ấn tượng, khiến nhiều người nể phục, trong đó có Jobs, nhưng Sculley lại không biết mảy may gì về mảng công nghệ.
Ban lãnh đạo Apple cũng cho rằng, Jobs quá trẻ để đảm nhận cương vị Giám đốc điều hành công ty do ông đồng sáng lập. Khi đó, Jobs đã mời Sculley về làm việc cho Apple bằng một câu hỏi: "Ông có muốn bán nước ngọt trong suốt phần đời còn lại hay đi cùng với tôi và chúng ta thay đổi thế giới?".
Trên thực tế, John Sculley được mời về Apple bởi hai lý do. Một là để ông duy trì lợi nhuận cho dòng Apple II trong khoảng 3 năm, đủ thời gian để hãng công nghệ này ra mắt dòng máy tính MacIntosh. Lý do thứ hai là Jobs ấn tượng về những gì Sculley làm ở Pepsi.
Sculley đã đưa Pepsi trở thành hãng sản xuất nước ngọt số hai ngay sau Coca-Cola. Do đó, Steve Jobs hy vọng rằng, cựu Giám đốc điều hành Pepsi sẽ quảng bá các máy tính của Apple theo cách tương tự, trở thành số hai sau liên minh Microsoft/ IBM.
Thời gian đầu, cặp đôi Jobs - Sculley phối hợp với nhau rất ăn ý. Trong 5 tháng sau đó, hai người thay nhau hoạt động. Sculley bay tới Bờ Tây còn Jobs bay đến Big Apple. Sculley từng nói với Jobs rằng, "một trong những điều mà chúng ta học được ở Pepsi là không bán sản phẩm mà là bán trải nghiệm".
Tuy nhiên, tới khoảng tháng 3/1985, quan hệ giữa hai bên bắt đầu có những rạn nứt. Doanh số máy tính Mac không được tốt. Steve Jobs muốn giảm giá bán sản phẩm này và tăng chi phí quảng cáo, đồng thời giảm bớt tầm quan trọng của dòng sản phẩm Apple II. Nhưng Sculley phản đối.
Theo quan điểm của Sculley, dòng máy tính Mac khi đó chưa thực sự sẵn sàng và công ty cần thúc đẩy hơn nữa doanh số bán Apple II. Ông đã kiến nghị lên ban lãnh đạo Apple và những người đứng đầu công ty đã yêu cầu Phó chủ tịch Mike Markkula phỏng vấn những người quan trọng trong công ty, để xem ai đúng, Jobs hay Sculley.
Nghiệt ngã thay, hầu hết các ý kiến đứng về Sculley. 10 ngày sau, Markkula công bố kết quả phỏng vấn lên ban điều hành Apple, theo đó ý kiến của cựu Giám đốc điều hành Pepsi là đúng, dòng máy tính Mac chưa thực sự sẵn sàng. Và cũng theo công bố này, Steve Jobs bị đề nghị giáng chức khỏi cương vị Trưởng bộ phận MacIntosh.
"Bởi vậy, Steve Jobs chưa bao giờ thực sự bị sa thải khỏi Apple, mà ông ấy chỉ bị giáng chức từ trưởng nhóm MacIntosh mà thôi", Sculley tiết lộ. "Sau đó, Jobs đã xin nghỉ phép và từ chức, rời khỏi Apple cùng một số nhân viên quan trọng của công ty, rồi bắt đầu xây dựng lên hãng NeXT", Sculley nói.
Sculley cũng cho biết thêm rằng, "vào thời điểm tôi nghỉ việc, Apple là hãng bán máy tính cá nhân số 1 thế giới. Chúng tôi có được thị phần toàn cầu là 8,3% vào thời điểm đó. Và chúng tôi đã trở thành công ty máy tính cá nhân lãi nhất trên thế giới".
Những thông tin mà Sculley cung cấp trên hoàn toàn trái ngược với bài phát biểu của Jobs ở trường Đại học Standford vào tháng 6/2005. Theo lời Jobs, thì ông đã bị đuổi việc khỏi Apple chỉ một năm sau khi Apple ra mắt dòng máy tính "tuyệt đẹp" MacIntosh.
"Làm sao mà bạn có thể bị đuổi việc khỏi công ty do chính bạn sáng lập? Khi đó, Apple đã trưởng thành và chúng tôi đã thuê một người mà tôi nghĩ rằng rất tài năng để điều hành Apple cùng với tôi", huyền thoại thung lũng Silicon kể lại trong lần nói chuyện ở trường Standford.
"Trong năm đầu tiên, mọi thứ đều diễn ra suôn sẻ, nhưng sau đó quan điểm của chúng tôi về tương lai bắt đầu khác biệt và chúng tôi còn xảy ra những tranh chấp. Và khi quan hệ giữa chúng tôi trở nên tồi tệ như vậy, ban giám đốc Apple đã đứng về phía ông ấy. Và năm 30 tuổi, tôi bị sa thải. Rất công khai".
Tuy vậy, cả Jobs và Sculley - người đã thừa nhận là không biết gì về máy tính khi được mời về Apple - sau này đều đồng ý rằng, Sculley không phải là người thích hợp với Apple. Jobs còn phàn nàn rằng, Sculley đã phá hủy tất cả những gì Jobs đã làm được trong 10 năm.
Về phần mình, Sculley thừa nhận rằng, Steve Jobs có tầm nhìn xa về công nghệ. Thành tựu mà Jobs đã làm được ở NeXT đã vượt qua thời đại và chính điều đó đã trở thành "chìa khóa quan trọng góp phần vào sự hồi phục của Apple vào thời điểm máy tính đã đủ sức mạnh và chi phí cho công nghệ đã giảm bớt".
Steve Jobs sau đó đã tái nhập Apple và phần còn lại như mọi người đều biết, đó là quá trình thay đổi lịch sử của hãng công nghệ Mỹ này.