Hình nền giới thiệu dịch vụ trên website của một nhà cung cấp. (Ảnh chụp màn hình) |
Hàng loạt nhà cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng trên điện thoại di động (ĐTDĐ) đua nhau khuyến mãi trúng thưởng với tin nhắn may mắn, sử dụng dịch vụ nhiều nhất... Mảnh đất kinh doanh màu mỡ này hiện thu hút rất nhiều nhà cung cấp với những tiện ích ngày càng mở rộng.
Mỗi ngày, trên các trang mục quảng cáo, những dịch vụ nội dung xuất hiện dày đặc như Dalink, Alofun, My Mobile, Topteen, Galafun, TT Mobile, Thế giới SMS, GenX... Ban đầu từ dịch vụ tải nhạc, chuông, hình ảnh, đến nay chỉ cần gửi tin nhắn đến số của nhà cung cấp dịch vụ, thuê bao có thể xem kết quả xổ số kiến thiết, giá ĐTDĐ, bói toán, truyện cười, tìm bạn bốn phương, dự đoán kết quả bóng đá, tham gia những trò chơi may mắn... và thậm chí là cả những chuyện khó nói khó nghe, chỉ đọc.
Khảo sát trên VnExpress cho thấy, 42,6% trong số gần 3.000 người trả lời cho biết dịch vụ được sử dụng thường xuyên nhất trên ĐTDĐ là tải nhạc, nhạc chuông. Riêng ảnh, hình nền, logo chiếm gần 15%, chỉ sau phần mềm. Hiện mỗi ngày, hàng chục nghìn tin nhắn được gửi đến các nhà cung cấp dịch vụ nội dung. Chị Nguyễn Thị Thanh Hồng, một nhân viên văn phòng, bày tỏ: "Tôi dùng dịch vụ của hầu hết nhà cung cấp, từ tải về máy cho đến gửi tặng nhạc, hình, những lời 'mật ngọt' cho bạn bè, người thân. Việc sử dụng những dịch vụ công nghệ hỗ trợ giúp thư giãn, giảm căng thẳng và cung cấp nhiều tiện nghi ngày càng phổ biến".
"Khi thị trường di động đã phát triển đến mức độ tương đối, những yếu tố như vùng phủ sóng, chất lượng mạng, giá cước... khá ổn định thì các nhà cung cấp mạng sẽ cạnh tranh chủ yếu bằng dịch vụ giá trị gia tăng với nhiều nội dung và đầu tư nâng cấp mạng nhằm cung cấp các dịch vụ công nghệ cao", ông Hoàng Sơn, Phó giám đốc Công ty viễn thông quân đội (Viettel), nhận định.
Hiện tại, thị trường dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng di động có hơn 20 nhà cung cấp và nhiều doanh nghiệp cũng đang ngấp nghé nhảy vào lĩnh vực tiềm năng này. Ông Tô Minh Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty phân phối FPT (FDC) - đơn vị sẽ chính thức nhập cuộc dịch vụ nội dung trên ĐTDĐ vào giữa tháng 4, cho biết: "Mặc dù đi sau một số doanh nghiệp, nhưng dịch vụ FPT SMS của công ty có lợi thế đặc biệt hơn nhờ sự hỗ trợ của nhà phân phối FDC và FPT Mobile, cung cấp 90% điện thoại chính hãng trên thị trường, do đó có thể giới thiệu dịch vụ ngay từ khi khách hàng mới tiếp xúc với điện thoại hoặc đề xuất tích hợp sẵn phần mềm vào máy khi xuất xưởng".
Ngoài ra, cũng theo ông Tuấn, với thế mạnh về kỹ thuật và công nghệ, FPT SMS sẽ hút khách hàng bằng việc triển khai các dịch vụ gắn liền với ứng dụng tương tác cho doanh nghiệp như thông báo lương, kiểm tra tài khoản ngân hàng... chú trọng nội dung game, game online trên ĐTDĐ. Dịch vụ này được chia thành 3 nhóm chính: nội dung tin nhắn, ứng dụng cho điện thoại và dịch vụ thương mại di động.
"Các dịch vụ nhắm vào giải trí như nhạc chuông, hình nền, logo và các mini - clip có nội dung hài hước, gần gũi rất được giới trẻ ưa chuộng. Tuy nhiên, đường truyền mạng hiện nay vẫn còn yếu, làm hạn chế về mặt nội dung cũng như kích thước của file cung cấp. Điều này bắt buộc một số phần mềm đặc biệt phải điều chỉnh lại cho phù hợp", bà Nguyễn Thanh Nhàn, phụ trách nhóm giá trị gia tăng của Vietnamnet TV, phát biểu.
Đối với mỗi nhà cung cấp dịch vụ nội dung, vấn đề quan tâm hàng đầu là số thuê bao của các mạng di động GSM. Những dịch vụ tiện ích hỗ trợ cho ĐTDĐ được triển khai ở dạng GPRS (2,5G) trên mạng của VinaPhone và MobiFone. Riêng Viettel đang tiến hành các thủ tục cuối cùng để cung cấp dịch vụ GPRS/MMS. Mạng CDMA của S-Fone có số thuê bao ít hơn, đồng thời biện pháp kỹ thuật cũng khá đặc biệt để kết nối giữa 2 mạng khác nhau nên những nhà cung cấp dịch vụ vẫn chưa liên kết với mạng này cũng như với các mạng còn chiếm thị phần không đáng kể. Đến nay, hầu hết nhà cung cấp mạng di động đều đã tích cực tham gia vào dịch vụ giá trị gia tăng.
Một khía cạnh đáng quan tâm khác của các nội dung dịch vụ giá trị gia tăng trên điện thoại di động là vấn đề bản quyền. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã ký hợp đồng mua bản quyền âm nhạc như VASC, Công ty công nghệ truyền thông Biển Xanh, MBOX, Viễn Tin, Intercom, S-phone, FDC... "Một số nhà cung cấp khác vẫn chưa mua bản quyền âm nhạc và chúng tôi đã gửi công văn đến yêu cầu nghiêm chỉnh chấp hành quy định về bản quyền. Tuy nhiên, hoạt động này cũng chỉ nhằm nâng cao nhận thức đối với việc tôn trọng quyền tác giả, tuân thủ pháp luật mà thôi", nhạc sĩ Hạ Long, đại diện Trung tâm Bảo vệ bản quyền âm nhạc, cho biết.
Dịch vụ vô tuyến gói tổng hợp GPRS (General Packet Radio Service) cho phép người sử dụng có thể truy nhập mạng truyền số liệu với tốc độ 171,2 Kb/s để tải hình ảnh màu tĩnh hoặc động, nhạc chuông đa âm điệu, trò chơi và những ứng dụng giải trí khác. Đồng thời, cước thuê bao được tính theo số lượng các gói thông tin nhận và gửi chứ không theo thời gian kết nối mạng. Để triển khai dịch vụ giá trị gia tăng, doanh nghiệp cung cấp nội dung sẽ trang bị server riêng chứa cơ sở dữ liệu và chịu trách nhiệm về nội dung, bản quyền... liên kết cùng nhà cung cấp mạng có sẵn cơ sở hạ tầng để được cấp mã số dịch vụ. Toàn bộ tiền cước do đơn vị điều hành mạng thu, sau đó chia lại cho nhà cung cấp nội dung theo tỷ lệ thỏa thuận khi ký hợp đồng. So với một tin nhắn bình thường với giá tối đa 500 đồng, dịch vụ này có giá cước thấp nhất là 2.000 đồng, chủ yếu nhắm vào đối tượng nhóm khách hàng có mức chi tiêu cao, thanh thiếu niên. |
Ngọc Hằng - Hưng Hải