Silicon Valley vừa sa thải vừa "săn đầu người"

Ngành CNTT Mỹ hiện vẫn phải đối mặt với vấn nạn thiếu người có đủ năng lực để đảm đương các vị trí quan trọng, trong khi đang “quay cuồng” trong cơn bão sa thải.

Thời kỳ tốt lành ở Silicon Valley đang "tạm ngừng", ít nhất là trong lúc này. Kể từ khi thị trường chứng khoán lao đao, nhiều hãng CNTT lớn nhất của Silicon Valley - như Cisco, Intel, Applied Materials, AMD, Microsoft, Intuit, Sun Microsystems, Symantec, eBay, Google, Yahoo và SAP - đều tuyên bố cắt giảm nhân lực, cắt giảm chi tiêu. Hoặc trong nhiều trường hợp, các công ty phải vừa cắt giảm nhân lực vừa cắt giảm chi phí, bởi khách hàng của họ đang "bóp nghẹt" đầu tư.

Chẳng hạn, nhà sản xuất PC số 1 thế giới Hewlett -Packard, tuyên bố cắt giảm 24.600 nhân viên hôm 15/9. Cùng với đó là kế hoạch thay thế khoảng 12.000 nhân sự trong vòng 3 năm tới.

Từ trước đến nay, các hãng CNTT luôn "được tiếng" là chịu đựng các cuộc khủng hoảng tốt hơn các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, bởi lực lượng lao động của ngành CNTT được đào tạo tốt và trả lương cao. Tuy nhiên, lần này Silicon Valley đang bị ảnh hưởng khá nặng nề, Sylvia Allegretto, một nhà nghiên cứu kinh tế của UC Berkeley, một đơn vị của trường Đại học California ở Berkeley, nói.

Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ tăng cao. Riêng trong lĩnh vực CNTT, một hãng nghiên cứu về tuyển dụng cho biết ước tính trong năm 2008 sẽ có 180.000 nhân viên CNTT bị mất việc. Đây là mức cao nhất kể từ năm 2003 đến nay. Một khó khăn nữa cho Silicon Valley là khu vực này chưa bao giờ thực sự phục hồi hoàn toàn từ vụ nổ bong bóng dot.com năm 2000, Allegretto và những người khác nói.

Ngoài ra, tình hình nhân sự trong ngành CNTT hiện nay lại vẫn đối mặt với vấn nạn thiếu người có đủ năng lực để đảm đương các vị trí kỹ thuật, theo phản ánh của một số công ty - mặc dù vẫn có nhiều người đang bị sa thải và tìm kiếm công việc mới.

Không ngừng tìm kiếm nhân lực

"Mọi công ty mà tôi biết đều mở chiến dịch về tuyển dụng", Tiffany Jones, Giám đốc các quan hệ chính phủ của hãng Symantec ở Washington, nói. "Họ không thể tìm được nhân viên thích hợp, và họ lại tuyên bố cắt giảm nhân lực. Là một đất nước, chúng ta cần tập trung vào cải tổ hệ thống giáo dục của mình, đảm bảo chúng ta đang quan tâm, nhấn mạnh đến môn toán và khoa học", bà nói.

Những công ty lớn như Intel và Hewlett -Packard nói họ thường xuyên tái cân đối nhân lực để tận dụng những thay đổi trên thị trường, mặc dù nhân viên có thể không nhận ra xu hướng đó.

Trong khi đó, "Thay đổi diễn ra liên miên, nhưng dường như không đi kèm với một kế hoạch hoàn hảo", đại diện bán hàng của Symantec viết trong Glassdoor.com, trang web mà nhân viên các công ty đánh giá về chính công ty của họ. Ngày 29/10, ban giám đốc Symantec đã tuyên bố cắt giảm nhân lực.

Các hãng mới thành lập cũng báo cáo về thách thức tìm kiếm người có đủ năng lực, đặc biệt cho các vị trí kỹ thuật, mặc dù họ nói chất lượng các ứng viên được cải thiện hơn do các công ty lớn hơn cắt giảm nhân sự.

Hãng Birst ở San Francisco, chuyên bán phần mềm chạy trên Internet và để khách hàng phân tích dữ liệu trước khi đưa ra các quyết định trong kinh doanh, đã mở chiến dịch tuyển dụng nhiều tháng nay, CEO Brad Peters nói. Birst phải cạnh tranh với Google để giành các kỹ sư, ông nói, bởi Birst cũng cần những người biết cách làm việc với các thuật toán và lượng lớn dữ liệu để đảm bảo kết quả phân tích hiện ra đơn giản trên một trình duyệt.

Gần đây, CEO Brad Peters phải kêu gọi tuyển dụng hàng ngày, bởi ông nhận thấy có nhiều hồ sơ xin vào các vị trí bán hàng và dịch vụ, hơn là xin vào vị trí kỹ sư.

Còn hãng Recommind cũng ở San Francisco, chuyên bán phần mềm về pháp lý, lại cố gắng tuyển kỹ sư từ các trường đại học, các hãng cạnh tranh hoặc các công ty có cùng ngành nghề kinh doanh, để đảm bảo các ứng viên được đào tạo tốt, có kinh nghiệm, CEO Robert Tennant, nói. "Những người nộp đơn từ các quảng cáo tuyển dụng thường không có kinh nghiệm", ông nói. "Mặc dù chúng ta cũng thỉnh thoảng có được ứng viên tốt".

Recommind có 100 nhân viên và đang muốn tuyển thêm 25 người vào vị trí kỹ sư, bán hàng và dịch vụ chuyên nghiệp. Hãng cần từ 25 đến 50 ứng viên cho mỗi vị trí.

Công ty Syncplicity ở California, bán dịch vụ sao lưu và chia sẻ file trực tuyến, hiện đang tìm kiếm 30 ứng viên cho một trong số 3 vị trí mở, CEO Leonard Chung cho biết. Việc Syncplicity tuyển dụng được những người có khả năng và kinh nghiệm rất quan trọng, bởi hãng hiện chỉ có 8 nhân viên, và những người mới tuyển sẽ "trở thành những nhà lãnh đạo của công ty", Leonard Chung nói.

Xu hướng cắt giảm sẽ còn tiếp tục

Theo Chung, Silicon Valley vẫn đang cảm thấy những "hậu ảnh hưởng" của vụ nổ bong bóng nhỏ mà ông nghĩ bắt đầu từ khoảng năm 2005, khi có quá nhiều công ty Internet được lập ra mà không có kế hoạch rõ ràng họ sẽ kiếm tiền bằng cách nào. Một số trong những công ty này đang nằm dưới áp lực từ các nhà đầu tư yêu cầu cắt giảm chi phí và sa thải nhân viên.

Trong xu thế hiện nay, việc lựa chọn được ở lại làm việc lâu dài cũng trở nên khó khăn. Các công ty ở Silicon Valley, đặc biệt là những tập đoàn lớn, đang "lợi dụng" cuộc suy thoái kinh tế để loại bỏ những nhân viên mà họ không muốn và tuyển dụng những người mới cho những vị trí khó khăn hơn. Vì thế họ có thể cải thiện sản phẩm, Dan Finnigan, CEO của hãng Jobvite, một công ty mới thành lập chuyên xây dựng "mối tuyển dụng" cho khách hàng qua các mạng lưới xã hội trực tuyến như Facebook và LinkedIn, cho biết.

Chẳng hạn như, hãng bảo mật Symantec đã thông báo tuyển dụng hồi tháng này với các vị trí marketing, tài chính, điều hành, phát triển và bán hàng; đồng thời họ lại cắt giảm nhiều nhân lực khác của công ty. Một đại diện của Symantec đã từ chối tiết lộ những nhân viên bị cắt giảm làm việc tại các bộ phận nào và có bao nhiêu người bị cắt giảm.

Finnigan và nhiều nhà phân tích dự đoán xu hướng cắt giảm nhân lực sẽ còn tiếp tục ở Silicon Valley.

Thứ Hai, 08/12/2008 14:07
31 👨 282
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp