Ngày 20/9, Nhật báo Phố Wall tiết lộ, hãng Samsung sẽ mở cửa nền tảng Bada của họ vào năm tới, dành cho các nhà sản xuất công nghệ và giới phát triển.
Động thái này được đánh giá là bước đi quan trọng để Samsung giảm bớt sự phụ thuộc vào hệ điều hành mã nguồn mở Android của Google.
Trước đó, Samsung đã tổ chức các cuộc thảo luận nội bộ để xem xét những ảnh hưởng, tác động có thể xảy ra sau khi đối tác Google thâu tóm Motorola.
Tương tự như những hãng sản xuất thiết bị cầm tay chạy nền tảng Android khác, Samsung hoàn toàn có lý do để lo lắng rằng "gã khổng lồ tìm kiếm" sẽ dành nhiều ưu tiên cho công ty con Motorola.
Nếu điều đó xảy ra, Samsung sẽ phải chịu thiệt hại không nhỏ, bởi những thành công hiện nay của hãng đều do các mẫu thiết bị chạy Android mang lại.
Và Bada được xem là hệ điều hành "dự phòng" quan trọng của Samsung, trong trường hợp họ gặp bất lợi liên quan tới nền tảng chiến lược Android.
Bên cạnh đó, hãng công nghệ Hàn Quốc cũng hy vọng họ có thể mở rộng phạm vi triển khai Bada, bằng cách “nhúng” hệ điều hành này vào các thiết bị khác như smartTV chẳng hạn.
Bắt đầu được trình làng từ cuối năm 2009, Bada đã xuất hiện trên dòng sản phẩm cầm tay Wave của Samsung. Những thiết bị Wave mới nhất đang chạy Bada là Wave 3, Wave M và Wave Y.
Theo hãng nghiên cứu Gartner, hiện Bada đang có thị phần 1,9% trên thị trường hệ điều hành cho thiết bị di động.
Nhà phân tích Neil Mawston của hãng Strategy Analytics bày tỏ với Nhật báo Phố Wall: “Nếu Samsung muốn việc mở mã nguồn Bada đạt được thành công, họ cần phải chú trọng tiến hành quá trình này tại Mỹ, bởi nơi đây hội tụ những nhà phát triển tinh nhuệ nhất, cũng như cộng đồng người tiêu dùng sành sỏi nhất. Trong trường hợp quá trình mở cửa Bada không thể giành được sự chú ý của thị trường Mỹ, coi như Samsung đã phải nhận thất bại.”