Google nổi tiếng là công ty có môi trường phẳng nhất thế giới, bởi vì ở đây rất ít cấp bậc. Các nhân viên, từ lập trình viên tới thiết kế, đều được phát triển ý tưởng của họ và thực hiện một cách tự do mà không cần phải hỏi ý kiến của sếp nào cả. Với không ít dân công nghệ, các sếp đôi khi lại là các rào cản của sự phát triển, của sự đổi mới khiến họ không thể phát huy tài năng.
Tuy nhiên, một thử nghiệm được thực hiện năm 2002 do chính Larry Page, đồng sáng lập Google và hiện là CEO của hãng, đã chỉ ra rằng, nếu tự do như vậy sẽ không có ai lo những việc như phát triển nhân sự, thị trường toàn cầu, chiến lược và những vấn đề phát sinh. Và quan trọng hơn hết là khó kết nối một đội hình hơn 37.000 con người cùng làm việc.
Sau đó Google đã xây dựng một dự án có tên là Oxygen với nhiều đánh giá và nghiên cứu công phu hàng năm trời về hành vi quản trị để giúp đội hình sếp tăng năng lực quản trị và điều hành của họ. Dự án đã chỉ ra 8 điểm của một sếp tốt như sau:
- Là huấn luyện viên giỏi
- Trao quyền cho nhóm và không quản lý chi tiết
- Tập trung vào lợi ích và quan tâm của tất cả thành viên của nhóm
- Hướng vào kết quả công việc
- Biết lắng nghe, giỏi đối thoại để chia sẻ thông tin
- Giúp đỡ thành viên phát triển nghề nghiệp
- Có tầm nhìn rõ ràng và chiến lược cho nhóm
- Nắm vững các kỹ năng về kỹ thuật trọng yếu để giúp hỗ trợ nhóm
Tiếp theo, Google cho phép các nhân viên đánh giá sếp của mình dựa theo những yếu tố trên và hàng năm còn tổ chức bình chọn những sếp tài giỏi, những sếp này ngoài được thưởng còn có cơ hội tăng lương và thăng chức.
Như vậy có thể thấy Google có một mô hình đặc biệt là cho phép nhân viên đánh giá sếp, ngược lại với Việt Nam là từ trên xuống. Và mô hình này đã chứng tỏ hiệu quả vì chính những thành viên của Google đã cho ra đời những sản phẩm tuyệt hảo khiến công ty liên tục tăng doanh thu và biến Google trở thành một trong những công ty lớn nhất thế giới.