Phần III: Kiểm tra và xử lý

Phần I: Các chuẩn kết nối ổ cứng
Phần II: Cài đặt ổ cứng vào hệ thống

Sau khi cài đặt ổ cứng vào hệ thống, ta cần kiểm tra lại để chắc chắn rằng ổ cứng sẽ hoạt động tốt và thực hiện xử lý các sự cố phát sinh khi cài đặt.

Với ổ cứng mới cài đặt, bạn khởi động lại hệ thống và nhìn vào màn hình POST (màn hình đầu tiên hiển thị khi khởi động máy tính), sẽ hiển thị tên ổ cứng bao gồm: nhà sản xuất và model của ổ cứng. Nếu bạn cài đặt ổ cứng SATA, có thể nó sẽ được hiển thị ở một giao diện màn hình khác kế tiếp trong giai đoạn boot máy.

Nếu không thấy ổ cứng được hiển thị và hệ thống đang sử dụng phiên bản Windows 2000 hoặc XP, bạn khởi động lại máy (restart). Sau đó, vào tiếp Windows Explorer, phải chuột lên My computer, chọn Manage. Trong cửa sổ quản lý, chọn “Disk Management” và kiểm tra ở khung bên bên phải, phía trên xem ổ cứng có được nhận diện hay không. Nếu là ổ cứng thứ hai được cài đặt bổ sung, thì nó sẽ được nhận dạng với tên “Disk 1” và “Disk 2” nếu là ổ cứng thứ ba cùng với đầy đủ dung lượng của mỗi partition, mỗi ổ cứng.

Trường hợp hệ thống không sử dụng phiên bản hệ điều hành Windows 2000/XP và cần xác nhận ổ cứng mới đã được cài đặt chính xác. Khởi động lại máy (reboot) và nhấn phím DEL tại giao diện khởi động đầu tiên (POST screen) để vào phần cấu hình BIOS. Tuỳ thuộc vào model bo mạch chủ mà nó sẽ tự động dò tìm ổ cứng và hiển thị ổ cứng đang ở Master, Slave. Khi hiển thị ra đầy đủ dung lượng và tên cùng model ổ cứng là bạn đã cài đặt ổ cứng thành công.


Disk Management trong My Computer.


Giao diện bên trong BIOS.

Tuy nhiên, cũng có những lúc công việc cài đặt trở nên khó khăn hơn vì bạn đã thử hết các thao tác trên mà hệ thống vẫn không nhận dạng được ổ cứng mới cài đặt. Đừng vội nản lòng, bạn hãy thử các bước sau để kiểm tra lại thao tác của cài đặt của mình:

1. Nếu ổ cứng không hiển thị trong giao diện POST khi khởi động hệ thống hoặc cũng không hiển thị trong phần “Disk Management” thì ta trở về bước đầu tiên. Bạn ngắt hết nguồn điện của hệ thống và kiểm tra lại thiết lập jumper xem có chính xác hay chưa (đối với ổ cứng IDE). Bước kế tiếp là kiểm tra đến kết nối cáp như đã nêu ở phần I và II xem có chính xác hay không, đặc biệt là kết nối cáp cho ổ cứng IDE.

Lưu ý: Các ổ cứng SATA không hẳn lúc nào cũng hiển thị trong BIOS, còn tuỳ thuộc vào nhà sản xuất của bo mạch chủ và cách thức SATA hỗ trợ, ngay cả khi nó được cài đặt chính xác. Điều này không có nghĩa là nó sẽ không hoạt động, chỉ có điều bạn không thể xác nhận việc cài đặt mà không cần đến Windows. Cách thức duy nhất là bạn thực hiện cài đặt Windows.

2. Nếu ổ cứng hiển thị trong BIOS và Windows nhưng lại không hiển thị đúng dung lượng. Ví dụ chỉ hiển thị 20GB thay vì 40GB thì đây là giới hạn của bo mạch chủ. Những bo mạch chủ đời cũ (được sản xuất từ 4 năm trở về trước) sẽ có những giới hạn nhất định về việc nhận dạng dung lượng ổ đĩa cứng. Đôi khi, việc cập nhật phiên bản mới cho BIOS sẽ giải quyết được vấn đề này, nhưng không khả thi đối với những bo mạch chủ có model quá cũ.

Để giải quyết vấn đề này, bạn có thể truy cập vào website của hãng sản xuất ổ đĩa cứng. Thông thường, tất cả nhà sản xuất sẽ có những phần mềm, tiện ích miễn phí hỗ trợ giải quyết các sự cố, vấn đề liên quan đến ổ cứng mà họ sản xuất. Ví dụ Maxblast 4 của Maxtor. Mục đích của các tiện ích này là kích hoạt khả năng nhận dạng dung lượng cao hơn giới hạn của những bo mạch chủ model cũ. Tiện ích cũng sẽ phân chia partition và định dạng (format) ổ cứng cho bạn.

Những hiểu biết cơ bản và các bước cài đặt cũng như kiểm tra đã được lược qua, công việc của bạn bây giờ là đưa ổ cứng mới cài đặt bổ sung vào sử dụng hoặc cài đặt hệ điều hành. Khi sử dụng, bạn chỉ nên chú ý đến các yếu tố quan trọng nhất là nhiệt độ, hãy để hệ thống luôn thoáng mát, trong khoảng 3-4 tháng, hãy thực hiện chống phân mảnh dữ liệu để việc truy xuất dữ liệu được thực hiện dễ dàng hơn.

THANH TRỰC

Thứ Hai, 08/01/2007 08:20
31 👨 1.318
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp