Chủ tịch của "ông trùm" Nokia ngỏ lời khen ngợi các đối thủ mới tham gia vào thị trường mobile phone, nhưng khẳng định sẵn sàng trả đòn bất kì kẻ nào dám cạnh tranh với hãng.
Trong bài phát biểu mới nhất của mình, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Nokia, Olli-Pekka Kallasvuo thừa nhận các đối thủ mới nổi như Apple, Google và RIM (Research in Motion) đã giúp tăng tốc quá trình phổ cập điện thoại đa chức năng truy cập Internet. Nhưng đó cũng là kinh nghiệm không mấy dễ chịu với Nokia, khi "bỗng dưng những hãng hùng mạnh nhất thế giới trở thành đối thủ của bạn". Nokia vốn chiếm tới 40% thị phần thị trường điện thoại truyền thống toàn cầu, với hơn 400 triệu mobile phone xuất xưởng hàng năm.
Ông thừa nhận chiến thuật của RIM - hãng sản xuất BlackBerry vốn từng dành riêng cho giới doanh nhân - là rất độc đáo: không chỉ bán điện thoại, mà còn cung cấp cả giải pháp quản lý email trọn gói cho doanh nghiệp. Nokia sẽ không ngần ngại học tập đối thủ, nhưng ở tầm mức lớn hơn nhiều, khi cung cấp giải pháp email cho người dùng doanh nghiệp lẫn người dùng thông thường, và cả lớp khách hàng nằm giữa hai giới trên được gọi là "prosumers".
Sử dụng phần mềm của Microsoft, Nokia tự tin sẽ vượt qua cả RIM, cung cấp dịch vụ này tới hơn 80 triệu mobile phone dùng hệ điều hành Series 60 đã bán ra: "Chúng tôi sẽ vượt qua RIM trong vài tháng với một hệ thống email tuyệt vời". RIM hiện tại có 18 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ email trên BlackBerry.
Chủ tịch Nokia cũng không tiếc lời khen ngợi iPhone của Apple nhờ công lao nâng đẳng cấp của smartphone lên tầm cao mới: "Tôi thực sự phải ngả mũ kính phục Apple, nhưng tất nhiên chúng tôi luôn sẵn sàng đương đầu với mọi đối thủ mới". Gã khổng lồ Internet Google lại không được đánh giá cao: "Họ chỉ là tân binh trên thị trường. Câu hỏi đặt ra: họ mang lại được những gì mới mẻ?".
Gần một năm trước, chính Kallasvuo từng bình luận mỉa mai khi Google thông báo ý định xây dựng nền tảng/hệ điều hành Android: "Chúng tôi đã có thể tuyên bố như thế cả 10 năm trước!". Nhận xét của ông sẽ được chứng thực trong thời gian tới, khi smartphone đầu tiên dùng Android của T-mobile với tên G1 chính thức ra mắt tại châu Âu và châu Mĩ. G1 được đánh giá cao nhờ tính "mở" và các ứng dụng đa dạng được cả cộng đồng góp sức xây dựng.
Theo chủ tịch Kallasvuo, châu Âu kiến thiết thị trường truyền thông di động toàn cầu trong những năm 90, nhưng Sillicon Valley mới là nơi kiến tạo và thống trị Internet. Và khi Internet bắt đầu chuyển mình lên ĐTDĐ, nước Mĩ sẽ lại tiếp tục là nơi hội tụ của công nghệ mới.