Hình ảnh đồ họa xấu, số lượng game nghèo nàn và cả nền tảng phần cứng kém đã khiến 10 máy chơi game dưới đây không được nhiều người hâm mộ.
Từ khi cỗ máy chơi game video đầu tiên Magnavox Odyssey xuất hiện năm 1972, các hãng sản xuất thiết bị đã không ngững tiếp tục phát triển các thế hệ mới máy chơi game mới để phục vụ nhu cầu giải trí cho người dùng. Tuy nhiên không phải “phát minh” nào cũng đạt được thành công và thu hút sự chú ý của người sử dụng.
Các máy chơi game tồi nhất trong danh sách này của PCworld bao gồm cả các tên tuổi lớn như Apple hay Nokia.
1. Apple Pippin
Máy chơi game này ra mắt năm 1996. Hãng máy tính Apple đã thiết kế và kỳ vọng Pippin như một thiết bị giải trí đa phương tiện (hỗ trợ khả năng chơi game, duyệt web và nghe âm nhạc) và cấp giấy phép sản xuất máy cho hai công ty Bandai và Katz Media. Nhưng thật không may mắn, Pippin đã không nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của thị trường bởi sự “nghèo nàn” trong tất cả các tính năng trên. Pippin cũng đã từng được PCworld liệt vào những “thất bại” lớn nhất của sản phẩm Apple.
Nguyên nhân tạo nên thất bại cho sản phẩm này chính là bộ vi xử lý chậm chạp 66 MHz lại được hãng sử dụng để “giải quyết” các ứng dụng giải trí đòi hỏi cấu hình cao, nhanh. Thêm vào đó, thiết kế không gây ấn tượng mạnh, thư viện game ít và giá quá đắt (600 USD) đã khiến Apple Pippin có mặt trong danh sách này.
2. Tiger Game.com
Mẫu máy chơi game này được tung ra thị trường năm 1997. Vào cuối những năm 1990, hãng Tiger đã xây dựng chỗ đứng vững chắc cho mình trên thị trường trò chơi điện tử cầm tay. Hầu hết các cửa hàng bán trò chơi đều bày bán các mẫu máy chơi điện tử có màn hình LCD giá rẻ của Tiger. Để khẳng định vị trí của mình trên thị trường này, hãng tiếp tục phát triển một sản phẩm độc đáo nhằm cạnh tranh trực tiếp với máy chơi điện tử cầm tay Game Boy của hãng Nitendo.
Vì vậy, Tiger Game.com đã được ra đời. Đây là lần đầu tiên hãng tích hợp màn hình cảm ứng và kết nối Internet cho một cỗ máy chơi game (console). Nhưng các ứng dụng Internet chỉ dừng lại ở khả năng hỗ trợ tin nhắn và các phụ kiện cáp kết nối đi kèm với modem ngoài đã khiến Game.com không thể thu hút nhiều fan trên thị trường.
Có thể nói đây là một cỗ máy chơi game ứng dụng công nghệ của một thập kỷ trước đó và mất đi tính linh động trong di chuyển của thiết bị.
Điểm kém hấp dẫn nhất trong sản phẩm này chính là thư viện game nghèo nàn và hầu hết các tựa game đều sử dụng những hình ảnh nứt nẻ, thiết sự bóng mượt trong chuyển động. Thêm vào đó độ phân giải hình ảnh thấp của màn hình cảm ứng cũng làm các khách hàng cảm thấy nhàm chán khi chơi game trên Game.com. và cũng thật “ngớ ngẩn” khi nói rằng thiết bị này hỗ trợ Internet.
3. Nokia N-Gage
Nổi tiếng với những “chú dế” hấp dẫn, hãng sản xuất di động này đã “chuyển hướng” sang ngành giải trí game với mẫu di động kiêm máy chơi video game mang tên N-Gage ra mắt thị trường năm 2003. Nhưng trái với mong muốn của Nokia, cả hai chức năng này trên sản phẩm lai đều không hoàn thành nhiệm vụ. Sau đó, Nokia đã thiết kế và nâng cấp nền tảng N-Gage.
Yếu điểm lớn của N-Gage là khi sử dụng người dùng phải tháo nắp đậy và pin để có thể thay đổi sang chương trình chơi game gây bất tiện. Cùng với đó là sự khó chịu khi sử dụng tính năng di động bởi loa nghe, mic thu âm đều được bố trí ở cạnh bên của máy. Ngay cả cái tên của thiết bị này nghe cũng kém hấp dẫn.
Trong khi đó, điểm kéo lại cho sản phẩm này đối với các cỗ máy chơi game video di động khác là khả năng kết nối không dây cho phép cùng lúc nhiều thành viên tham gia trò chơi, kết nối mạng Internet, hỗ trợ khả năng giải trí âm nhạc và cả tính năng của một chiếc di động.
4. Mattel Hyperscan
Ra mắt thị trường năm 2006, Hyperscan là cỗ máy chơi game đầu tiên trên thế giới ứng dụng công nghệ RFID (công nghệ xác nhận đối tượng bằng sóng vô tuyến). Máy hỗ trợ khả năng chơi game video và cả chức năng scan thẻ game. Mỗi game của Hyperscan đều có thể lưu trữ trên các đĩa CD và hãng Mattel cũng bán kèm dịch vụ hỗ trợ các ứng dụng game qua các thẻ. Mỗi thẻ game này được tích hợp một chip RFID.
Trong quá trình chơi game, người chơi có thể sử dụng tính năng scan trên máy để scan thẻ game để sử dụng các nhân vật mới hay khả năng mới vào trò chơi. Đây là điểm mạnh nhưng cũng là điểm khiến Mattel Hyperscan tàn lụi. Bởi hãng Mattel không thể tiếp tục sản xuất và bán các thẻ hỗ trợ này mãi mãi bới giới hạn nền tảng phát triển các ứng dụng tích hợp cho game. Thêm vào đó thời gian để tải các ứng dụng mới cho game lâu, quy trình thủ tục phức tạp cũng là những yêu tố khiến Hyperscan đánh mất khách hàng.
5. Gakken TV Boy
TV Boy là một cỗ máy chơi game có thiết kế kỳ dị đến từ Nhật Bản, ra mắt năm 1983. Phím điều khiển hình chữ T trên máy khiến người dùng khó điều khiển cùng sự nghèo nàn của các trò chơi tích hợp trên máy. Ra đời ít lâu sau Gakken TV Boy, máy chơi game Nintendo Famicom đã gần như “giết chết” các đối thủ cạnh tranh khác trên thị trường này vào thời điểm đó.
(Còn tiếp)