Hiện tại iPad 2 vẫn là mẫu máy bảng bán chạy nhất tại Việt Nam. Tuy nhiên với sự “bùng nổ” của các tablet chạy Android trong năm 2011, nhiều người tin tưởng iPad 2 sẽ chính thức bị “cướp ngôi” trong một tương lai không xa.
Siêu phẩm của Steve Jobs vẫn có những điểm khiến người dùng chưa thực sự vừa lòng.
Trong khi đó một loạt thiết bị chạy hệ điều hành Android đang dần dần chiếm lĩnh thị trường Việt Nam như Galaxy Tab, Acer Iconia Tab hay sắp tới là Amazon Kindle Fire và Nook Tablet.
Những đối thủ này được chờ đợi là sẽ lật đổ ngôi vị thống trị của Apple tại thị trường máy tính bảng Việt Nam. Vậy đâu là những lý do khiến các anti – iPad 2 tin tưởng siêu phẩm này sẽ bị đánh bại?
Ngoại hình của iPad 2 có thực sự hoàn hảo?
iPad 2 dày 8,8 mm và hiện là chiếc máy tính bảng mỏng nhất thế giới (mỏng hơn cả iPhone 4). Siêu phẩm của Apple quá sexy với màn hình sáng bóng cùng lớp vỏ nhôm và rong cao su bọc quanh máy. Tuy nhiên điều này cũng khiến nó trở nên khó cầm và rất dễ gây ra nguy cơ rơi rớt nếu người dùng không cẩn thận.
Trong khi đó, nếu xoay ngang máy, việc sử dụng bàn phím sẽ vẫn khó khăn trừ khi bạn đặt máy lên đùi hoặc mặt phẳng nào đó. Do đó thường thì người dùng sẽ phải cầm máy bằng một tay và gõ “mổ cò” bằng tay còn lại, điều đó sẽ khiến công việc của người dùng trở nên khá chậm chạp.
Cần nâng cấp màn hình hơn nữa
Apple đã nâng cao đáng kể khả năng đồ họa của iPad 2 nhưng với nhu cầu giải trí HD ngày càng tăng (kể cả trò chơi, phim, ảnh)… dường như màn hình nguyên thủy với độ phân giải 1024 x 768 pixel của iPad 2 đang “xuống sức” dần.
Trong khi đó các đối thủ như Samsung Galaxy Tab 10.1 và Motorola Xoom đã sử dụng đến độ phân giải tiêu chuẩn HD là 1280 x 800 pixel.
Các phím cảm ứng khó sử dụng
Thao tác “kéo và vuốt” trên iPad 2 để phóng to và thu nhỏ nội dung văn bản sẽ giúp người sử dụng dễ dàng đọc văn bản. Tuy nhiên các liên kết trong văn bản lại khá nhỏ để “chạm” một cách dễ dàng.
Tương tự như vậy, các trang web và các ứng dụng có quá nhiều phím cảm ứng gần nhau sẽ dễ làm tăng nguy cơ người sử dụng sẽ “chạm” nhầm vị trí. Ngoài ra, nhiều phím cảm ứng có định dạng không rõ ràng, do đó người dùng có xu hướng bỏ qua chúng.
Camera chưa thực sự “đẹp”
Khắc phục nhược điểm không có camera của “người tiền nhiệm”, iPad 2 đã được trang bị camera trước độ phân giải VGA và camera sau cho phép quay video chuẩn HD 720p. nhưng điều này vẫn thua xa so với Samsung Galaxy Tab 10.1 và Motorola Xoom với khả năng chụp ảnh 8 megapixel và thu phim Full HD 1080p.
Một điểm trừ khác là chất lượng ảnh chụp từ iPad 2 có màu sắc không tự nhiên, mặc dù vậy việc quay phim trên iPad 2 lại khá hơn so với các đối thủ còn lại.
Nhược điểm của hệ điều hành iOS 4.3
Hệ điều hành iOS 4.3 được tích hợp cho iPad 2 dường như không có nhiều cải tiến so với phiên bản trước ngoài khả năng tạo điểm phát sóng Wi-Fi hay tích hợp phần mềm sửa phim iMovie. Trong khi đó nền tảng Android 3.0 mang đến cho người dùng những trải nghiệm mới cùng giao diện tuyệt vời còn hệ điều hành WebOS của HP lại có tính năng chạy đa nhiệm chuyên nghiệp.
Tạo và quản lý folder là một trong những cải tiến đáng kể của iOS 4.3 so với người tiền nhiệm. Tuy nhiên Apple lại quy định một folder chỉ có thể chứa tối đa 12 mục. Đối với người dùng thông thường thì như vậy có thể là quá đủ, nhưng nếu bạn có một danh sách công việc khá dài thì đó sẽ là một rắc rối thực sự.
Một nhược điểm nữa là iOS 4.3 vẫn không hỗ trợ tính năng kéo và thả, và người dùng vẫn không thể đặt biểu tượng riêng cho từng folder. Do các biểu tượng của tất cả folder đều giống nhau nên người dùng sẽ dễ bị “mất trí” nếu không thể nhớ nổi tên của folder mà mình đã đặt tài liệu vào đó. Và sau đó, việc tìm kiếm file sẽ thực sự là một “thảm hoạ”.
Chỉ có thể sử dụng một trình duyệt Web
Trên iPad 2, người dùng không có sự lựa chọn nào khác để lướt web ngoài Safari. Trình duyệt này lại không cho phép người dùng tải bất cứ file nào không được iPad 2 hỗ trợ. Thêm vào đó, họ cũng không thể đăng tải file mình vừa download bởi Apple không cho phép thực hiện truy cập trực tiếp vào hệ thống file.
Ngược lại, trình duyệt web mặc định của Android còn có thể được thay thế bằng Firefox hoặc một chương trình khác. Mỗi phần mềm lại được cho phép “tuỳ biến” bằng các ứng dụng của bên thứ 3 nên người sử dụng sẽ có nhiều lựa chọn duyệt web hơn rất nhiều.
Cũng giống như phiên bản trước, Apple vẫn cương quyết không hỗ trợ Flash vào iPad 2. Điều này khiến cho người dùng không thể có được những trải nghiệm thực thụ khi lướt web giống như trên máy tính.
Trong khi đó, Android 3.0 của Google đã tích hợp sẵn Flash cho khả năng xem video, nghe ca nhạc trên nhiều website. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho iPad 2 kém hấp dẫn hơn các đối thủ khác.
Sim dùng cho iPad 2 phải đủ “nhỏ”
Chuẩn sim của iPad 2 là chuẩn micro-sim có kích thước chỉ bằng khoảng 1/2 sim hiện nay. Theo đại diện từ Apple, chuẩn micro-sim này giúp iPad 2 mỏng hơn so với khi dùng chuẩn sim thông thường nhưng lại gây phiền phức cho người dùng nhiều hơn, nhất là ở Việt Nam. Do mỗi lần mỗi khi gắn sim cho iPad thì người dùng buộc phải... cắt!
Không hỗ trợ khe cắm thẻ nhớ và cổng USB
Hầu hết người dùng iPad trong công việc đều cảm thấy không thoải mái với dây cắm riêng của iPad 2. Một chuẩn mini USB là một trong những yếu tố được mong đợi rất nhiều trong phiên bản iPad thứ ba.
Thêm vào đó, việc mở rộng khả năng hỗ trợ USB trên iPad cũng sẽ giúp kết nối tốt hơn các thiết bị ngoại vi – đặc biệt nếu có sẵn cổng USB tích hợp mà không cần thông qua Camera Kit cồng kềnh hiện nay. Hiển nhiên, giao tiếp USB chính là điều mà iPad hiện nay còn khá hạn chế so với ngay cả các loại netbook rẻ tiền hiện tại.
“Đám mây” iCloud chưa thực sự tốt
Nói không với thẻ nhớ và cổng USB, Apple mang đến cho người dùng khả năng lưu trữ dữ liệu qua “đám mây” iCloud.
Với sự ra đời của iCloud, mọi thiết bị iOS và Mac của người dùng sau khi đăng nhập bằng tài khoản Apple có thể đồng bộ tất cả danh bạ, lịch làm việc, các phần mềm, nhạc và phim với nhau thông qua đám mây này. Tuy nhiên người dùng lại không thể nghe nhạc trực tuyến, sử dụng các ứng dụng web khác nền tảng và không có gọi điện thoại VoIP.
Còn với Android, người dùng được có thể truy cập tài khoản Google một cách toàn diện. Các tài liệu Google Docs có thể được chỉnh sửa trực tiếp trên điện thoại hoặc máy tính bảng cũng như laptop và máy tính để bàn.
Ngoài ra người sử dụng có thể chơi nhạc bằng Google Music và nghe các bài hát trên "đám mây" qua điện thoại của mình. Bên cạnh đó, ứng dụng Google Voice còn giúp thực hiện cuộc gọi VoIP qua điện thoại hoặc máy tính.
Giá cả đắt đỏ
Tại Việt Nam một chiếc iPad 2 rẻ nhất có giá trên 11 triệu đồng, như vậy đã là ít hơn nhiều loại Macbook và Notebook. Nhưng để sử dụng được tất cả các chức năng của sản phẩm này, người dùng sẽ phải bổ sung về một loạt các phụ kiện khác như bàn phím (39 USD), dock kết nối (69 USD), camera (29 USD), VGA Adapter (29 USD)… Giá thành của iPad 2 lúc đó có thể lên tới gần 800 USD (tương đương 17 triệu đồng).
Còn với các tablet chạy Android, hiện đã có khá nhiều hãng sản xuất lớn như Sony, Samsung, Acer, LG, Asus… và cả các tên tuổi trong nước và Trung Quốc như ZTE, Archos, KingCom, FPT…đem đến cho người dùng nhiều lựa chọn với nhiều mức giá khác nhau: từ 5 triệu đồng cho đến hơn 16 triệu đồng.
Kết luận
iPad 2 vẫn đang là số 1 tại Việt Nam, nhưng với sự phát triển nhanh chóng của hệ điều hành mã nguồn mở Android và đặc biệt là sự “bùng nổ” của các “lính mới”, cuộc cạnh tranh thị phần máy tính bảng trong năm 2012 được dự báo sẽ khốc liệt hơn trước rất nhiều.