Người sử dụng có thể tiết kiệm từ bây giờ để không bị choáng ngợp trước những mẫu HDTV mới mẻ và đắt đỏ sẽ xuất hiện tại các cửa hàng điện tử tiêu dùng năm 2010.
TV LCD với đèn nền LED
Thay vì sử dụng đèn nền CCFL, việc trang bị đèn LED cho TV tinh thể lỏng giúp chúng đạt được ba ưu điểm nổi bật: tiêu thụ ít điện năng, độ sáng lớn hơn và không độc hại. Giá của TV này khá cao nhưng đang giảm dần. Trong tháng 7, Sharp giới thiệu mẫu Aquos 52 inch 2.800 USD nhưng giờ người sử dụng có thể mua TV 55 inch của Samsung chỉ 2.500 USD.
Tốc độ quét hình 240 Hz
Những hệ thống HDTV đầu tiên có tốc độ refresh rate 60 Hz rồi tăng lên 120 Hz. Sony "khởi động" xu hướng chuyển sang 240 Hz với model 52 inch cuối 2008, tiếp đó là 6 mẫu Bravia XBR9 tại triển lãm CES 2009. Một số nhà sản xuất khác như LG và Samsung cũng nhanh chóng cho ra đời sản phẩm tương tự. Tuy nhiên, con số 240 Hz gây nhiều tranh cãi bởi các chuyên gia nhận định gần như không có sự khác biệt giữa 120 Hz và 240 Hz trừ những cảnh chuyển động nhanh trong thể thao hay khi chơi game, do đó không nhất thiết phải bỏ số tiền lớn để mua TV 240 Hz. Giá trung bình của TV full HD 240 Hz cỡ 40 inch là 1.596 USD còn TV 120 Hz là 1.195 USD.
Kết nối Internet
Hầu hết các nhà sản xuất hàng đầu đều đã lên kế hoạch bổ sung khả năng truy cập nội dung Internet cho TV. Dịch vụ Yahoo Widgets hỗ trợ theo dõi tin tức, Yahoo Video, Flickr... đã có mặt trên TV của Samsung, Vizio và LG. Sony đưa các ứng dụng Bravia Widgets vào trong dòng Bravia cao cấp còn Sharp và Panasonic cũng phát triển công nghệ widget riêng.
Độ phân giải 2160p
Màn hình siêu nét 2160p là bước tiến lớn so với 1080p và 720p khi đạt độ phân giải lên tới 3.840 x 2.160 pixel. Không chỉ mang đến hình ảnh sống động, 2160p còn có thể tách thành 4 màn hình chuẩn 1080p. Tuy nhiên, hiện TV 2160p không phải mặt hàng dành cho người tiêu dùng bình dân. Sau hệ thống HDTV 2160p của Samsung, Westinghouse Digital cũng giới thiệu D56QX1 với giá 50.000 USD. Tại Nhật, Sony Trimaster có giá 76.583 USD còn Toshiba Cell Regza LCD được cho là sẽ xuất hiện trong triển lãm CES ở Las Vegas (Mỹ) tháng tới.
Màn hình mỏng OLED
Các chuyên gia công nghệ tin rằng với ưu thế màn hình sáng và tiết kiệm điện năng, TV OLED sẽ hoàn toàn thay thế TV LCD (TV OLED sử dụng các tấm polymer tự sản sinh ánh sáng dạng phiến mỏng nên không cần đèn nền). Sony một lần nữa đi đầu vào năm 2007 với hệ thống OLED 11 inch còn LG cũng mới công bố phiên bản 15 inch cho thị trường Hàn Quốc. Dù vậy, 2 sản phẩm này có giá 2.500 USD trong khi TV LCD 40 inch chỉ khoảng 700 USD nên TV LCD được dự đoán vẫn thống trị ít nhất đến 2015.
TV 3D
Đưa 3D vào giải trí gia đình trở thành đề tài "nóng" trong nửa cuối 2009 và năm tới sẽ có nhiều hệ thống hỗ trợ hiển thị hình ảnh ba chiều xuất hiện trên thị trường. Thông số tạo nội dung 3D cho các hệ thống HDTV 1080p cũng đã được thông qua. Nhưng nhiều người vẫn hoài nghi về sự thành công của TV 3D khi mà các rào cản về giá cả, kính mắt... vẫn chưa được khắc phục.