Ông Craig Barrett, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Intel cho rằng, lao động Việt Nam có trình độ học vấn, có tay nghề kỹ thuật cao, đủ sức đảm đương những phần việc quan trọng trong nhà máy sản xuất của Intel.
Ông Craig Barrett: “Việc đầu tư này không chỉ đơn thuần là mở rộng nhà máy, mà còn là sự mong muốn nâng cấp kỹ thuật, phát triển công nghệ của Intel”. (Ảnh Đ.V.) |
Trong buổi họp báo sáng nay, ông Craig Barrett, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Intel cho biết: "Nhà máy sản xuất chip đặt tại Khu Công nghệ cao sẽ khởi động ngay sau khi giấy phép được trao, và ông hy vọng vào giữa năm sau (2008) sẽ có bộ phận đi vào sản xuất. Để thực hiện điều này, vấn đề nhân lực làm việc trong nhà máy đã được Intel vạch kế hoạch rõ ràng. Ông Craig Barrett cho biết, nhân lực chính sẽ được tuyển dụng từ chính địa phương. “Chúng tôi sẽ hợp tác chặt chẽ với các tổ chức giáo dục, các trường đại học để thực hiện chương trình đào tạo nhân lực. Nguồn nhân lực chủ chốt trong nhà máy của Intel sẽ là người tại chỗ”, ông Craig Barrett nói.
Ông Barrett đặc biệt chú trọng công tác đào tạo nhân lực địa phương, bằng việc liên kết với ngành giáo dục để đưa CNTT vào trường học. Trong giai đoạn đầu, Intel sẽ tuyển người, đưa đi đào tạo và sau đó trở về làm việc trong nhà máy. Mục tiêu của Intel là đào tạo 3 triệu nhân lực trong lĩnh vực này.
Ông Craig Barrett cũng cho rằng, Chính phủ VN đang có những chính sách khuyến khích, ưu đãi để tăng cường thu hút đầu tư vào những ngành nghề ít thâm dụng lao động, phát triển lĩnh vực công nghệ cao là một định hướng đúng. Cùng với 3 đặc điểm nổi bật là cơ sở hạ tầng đầy đủ, lao động có trình độ kỹ thuật cao, Intel xác định Việt Nam là một môi trường thuận lợi. “Đây là dự án thâm dụng vốn, nên Intel đã xem xét rất kỹ chính sách khuyến khích của chính quyền. Chúng tôi rất mừng là chính quyền đã đưa ra những gói nhỏ hỗ trợ rất cụ thể. Các cơ sở sản xuất, cơ sở kiểm định sản phẩm đều được hỗ trợ tốt”, ông Craig Barrett cho biết.
Ông Craig Barrett nói về tương lai của nhà máy Intel VN tại cuộc họp báo sáng nay (28/2). (Ảnh Đ.V) |
Nhiệm vụ của nhà máy (ATM) này sẽ là: Sản xuất, lắp ráp, kiểm tra vi mạch chipset. Nói về kế hoạch từ nay đến 2010, Chủ tịch HĐQT tập đoàn Intel cho biết sẽ hợp tác với các công ty khác để xây dựng một nhà máy thử nghiệm và kiểm định tại Việt Nam, và sẽ sản xuất máy tính cá nhân.
Trong giai đoạn đầu, dự án sẽ đầu tư 300 triệu USD, khi hoàn tất sẽ lên đến 605 triệu USD. Ông Craig Barrett còn hy vọng có thể mở mang hơn nữa, vì cùng với việc đầu tư vào Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Phillippines, việc chọn Việt Nam là một định hướng mở rộng của Intel. “Việc đầu tư này không chỉ đơn thuần là mở rộng nhà máy, mà còn là sự mong muốn nâng cấp kỹ thuật, phát triển công nghệ của Intel” - ông Craig Barrett nói.
Đặng Vỹ - Đông Quân ghi