Apple Macintosh, hay quen thuộc hơn là “Mac”, có lẽ không còn xa lạ đối người dùng máy tính trên toàn thế giới. Ra đời từ năm 1984, các thiết bị mac giờ đây đã được sử dụng phổ biến trên toàn thế giới, thậm chí trở thành niềm mơ ước của nhiều người. Vậy đã bao giờ bạn đặt ra câu hỏi tại sao Apple lại đặt tên cho nền tảng máy tính của mình là “Mac” hoặc “Macintosh” chưa? Hãy cùng quay ngược thời gian để tìm hiểu lịch sử đằng sau cái tên nổi tiếng này.
Đây là tên của một loại táo
Ngày 1 tháng 4 năm 1976 là mốc thời gian có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử phát triển của ngành công nghiệp máy tính. Đó là ngày mà Steve Jobs, Steve Wozniak và Ron Wayne thành lập “Công ty máy tính Apple”. Cái tên “Apple” (quả táo) được Jobs chọn sau khi ông đến thăm một trang trại táo và cảm thấy thích thú với loại quả này. Hơn nữa, vị CEO cũng muốn “Apple” xuất hiện trước chữ “Atari” theo thứ tự chữ cái trong danh bạ điện thoại.
Năm 1979, một kỹ sư cấp cao của Apple tên là Jef Raskin bắt đầu bắt tay vào triển khai dự án thử nghiệm phát triển máy tính đầu tiên của công ty với tên gọi Macintosh. Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí ACM’s Ubiquity vào năm 2003, Raskin đã mô tả nguồn gốc của cái tên mà ông đặt cho dự án: “Tôi gọi nó là‘ Macintosh ’vì McIntosh là loại táo mà tôi thích ăn nhất. Và tôi nghĩ rằng dự án này có thể đem lại cho mình niềm hạnh phúc như khi ăn một quả táo ngon".
McIntosh Red, một giống táo có vỏ màu đỏ và xanh lá cây, là loại táo mang tính biểu tượng quốc gia của Canada, và rất được ưa chuộng ở New England. Giống táo McIntosh được đặt theo tên của một nông dân Canada là John McIntosh. John McIntosh tình cờ phát hiện ra cây táo giống đầu tiên trong trang trại của mình vào năm 1811. Sau đó ông đã trồng thử và thu về thành công khi hương vị của giống táo mới này được rất nhiều người yêu thích.
Ngay từ đầu, Jef Raskin đã quyết định thêm chữ cái “a” vào “Mac” trong “Macintosh” để cố gắng tránh nguy cơ “xung đột thương hiệu” với một công ty âm thanh hi-fi cao cấp có tên McIntosh Laboratory, có trụ sở tại New York. Và đây rõ ràng là một quyết định hợp lý.
Steve Jobs tiếp quản dự án Macintosh vào tháng 1 năm 1981. Trong một thời gian ngắn sau đó, vị CEO muốn gọi chiếc máy tính sắp ra mắt là “Bicycle”, lấy cảm hứng từ một trong những câu nói yêu thích của ông: “A computer is a bicycle for the mind” (tạm dịch: Máy tính là chiếc xe đạp cho trí óc). Tuy nhiên, nhóm phát triển dự án không đồng tình và sau vô số tranh cãi, thậm chí cả tranh chấp, cái tên Macintosh cuối cùng vẫn được giữ nguyên.
Từ “Macintosh” đến “Mac”
Kể từ khi thương hiệu Apple Macintosh ra đời vào năm 1984, đội ngũ nhân viên, giới báo chí và khách hàng của Apple đều viết tắt cái tên này thành “Mac” để tạo sự thuận tiện trong giao tiếp cũng như ghi chép. Nói vậy nhưng “biệt danh” Mac ngắn gọn này cũng đã trải qua không ít chông gai trước khi phổ biến như hiện nay. Chẳng hạn, khi ra mắt Macintosh ban đầu vào năm 1984, Apple đã phát hành các ứng dụng có tên MacPaint và MacWrite, chúng nhanh chóng trở thành ứng dụng phải có cho nền tảng mới. Điều này khiến cho cái tên Mac dần dần được ghi dấu.
Vì hệ điều hành của máy Macintosh chỉ được thiết kế cho một dòng máy tính nên Apple ban đầu gọi các phiên bản sơ khai của Mac OS dưới những cái tên chung chung như “System 1. Mãi sau đó nó mới được chính thức hóa thành “Macintosh System Software” hoặc “System Software”. Vào năm 1997, Apple đã đổi tên hệ điều hành thành “Mac OS” cùng thời điểm phát hành Mac OS 7.6. Đây là một phần trong nỗ lực giúp việc hệ điều hành này có thể tiếp cận dễ dàng hơn đối với các nhà sản xuất phần cứng “Macintosh clone” (hay Clonintosh: những chiếc máy tính chạy Mac OS không được sản xuất bởi Apple) vào thời điểm đó. Đứng từ góc độ marketing, rõ ràng cái tên “Mac OS 7.6” nghe ấn tượng hơn hẳn so với “System Software 7.6”.
Với việc phát hành iMac vào năm 1998, lần đầu tiên Apple chính thức đưa tên viết tắt "Mac" vào tên gọi của các mẫu máy tính mà mình tung ra thị trường. Ngày nay, Apple chỉ đơn giản gọi nền tảng của mình là “Mac”, và bạn sẽ không còn thấy tên gọi “Macintosh” được đề cập nhiều trong tài liệu tiếp thị của Apple. Mặc dù vậy, người nông dân John McIntosh nếu còn sống chắc hẳn sẽ rất ngạc nhiên và tự hào về việc cây táo nhỏ bé của mình đã truyền cảm hứng cho công ty có giá trị lớn nhất thế giới hiện tại.