Người dùng không thể hiểu được ích lợi cũng như sự vượt trội của TV 3D, do đó, hệ quả tất yếu là doanh số tiêu thụ của làn sóng TV thế hệ mới nhất đã không đạt mức kỳ vọng của các nhà sản xuất.
Giám đốc điều hành Brian Dunn của chuỗi siêu thị điện tử Best Buy chia sẻ với Reuters: "Người dùng chưa có nhiều thông tin về 3D, điều đó khiến họ bối rối. Bên cạnh đó, nội dung 3D vẫn còn ít, nghèo nàn và khó kiếm".
Ông Jay Vandenbree, Giám đốc khối Giải trí gia đình của LG Electronics USA cũng đồng quan điểm. "Khi bạn phải chi tới 2000 USD cho một chiếc TV, bạn sẽ bắt đầu hỏi mình: Liệu mình có thực sự cần tới nó không nhỉ? Liệu nó có thực sự cải thiện trải nghiệm xem TV của mình? Nhưng rồi tất cả những thắc mắc này đều không có câu trả lời nào cả".
Cùng lúc, chuyên gia Ross Rubin của hãng nghiên cứu NPD tin rằng, việc TV 3D vẫn cần tới những cặp kính đặc biệt, vừa đắt tiền vừa bất tiện cũng gây ra tác động tiêu cực đến lượng tiêu thụ.
"Nếu như nội dung 3D không được sản xuất tốt mà chỉ tập trung vào một số hiệu ứng nhất định thì nó sẽ gây cho người xem sự khó chịu, mỏi mắt, nhức mắt", ông Rubin nói thêm. Tuy nhiên, dù người tiêu dùng vẫn tập trung mua TV màn hình cỡ lớn trong năm nay thì về lâu dài, các chuyên gia đều tin rằng công nghệ 3D sẽ cất cánh.
"Cũng giống như cách TV phân giải cao khởi sự từ thể thao và phim vậy, trong quá trình tiến hoá, 3D sẽ gắn chặt với thể thao và điện ảnh, để rồi trở thành một công nghệ phổ biến thường nhật của tất cả mọi người", ông Vandenbree dự đoán.