Vài năm về trước, người ta dự đoán rằng sự phát triển của điện thoại nghe nhạc sẽ đánh dấu sự sụp đổ của dòng máy nghe nhạc thuần túy. Tuy nhiên, tới giờ, máy MP3 vẫn phát triển rực rỡ hơn bao giờ hết.
Một câu hỏi đặt ra là tại sao máy nghe nhạc vẫn tồn tại và "sống tốt" trong thời đại các thiết bị đa chức năng đang trở thành tâm điểm chú ý? Hay các hãng sản xuất điện thoại di động vẫn chưa tìm ra cách "đánh bại" máy MP3?
Walkman của Sony Ericsson là dòng điện thoại nghe nhạc được đánh giá cao. Ảnh: Mobilemag. |
Xét về dung lượng bộ nhớ, ta dễ dàng tìm được một điện thoại hỗ trợ thẻ nhớ ngoài SDHC, giúp lưu trữ từ 8 đến 16 bài hát, nhưng sẽ chẳng là gì nếu so với một máy nghe nhạc 120 GB.
Hiện nay, "đỉnh" về dung lượng của các thiết bị nghe nhạc đang là iPod Classic phiên bản đầu của Apple - 160 GB. Phiên bản thứ hai tuy chỉ 120 GB nhưng thế cũng quá đủ cho nhạc, video và ảnh. Zune của Microsoft cũng có mức dung lượng tương tự. Tuy nhiên, đây không phải là những máy nghe nhạc thuần túy mà là thiết bị nghe nhìn cầm tay (PMP) vữa có chức năng nghe nhạc, vừa xem video và ảnh.
Về phần những chiếc MP3 đơn thuần, sử dụng bộ nhớ flash, mặc dù iPod Nano, iPod Shuffle, Creative Zen Stone... có bộ nhớ rất hạn chế, khoảng 2 đến 8 GB, nhưng vẫn được đón nhận. Sở dĩ vậy vì chúng có ưu điểm nhỏ, gọn, rất phù hợp với việc mang theo khi chạy bộ hay tập thể dục.
Nếu so với điện thoại di động, ngoại trừ những dòng máy kiểu Samsung F200 thì hầu hết các điện thoại khác đều to gấp ba kích thước của iPod Shuffle bản mới. Do đó, sẽ hơi kỳ nếu bạn gắn một chiếc điện thoại lên cánh tay để chạy bộ. Tuy nhiên, nếu bạn muốn thì vẫn có thể - với chiếc Sony Ericsson W710i. Thế nhưng những lựa chọn này là không nhiều.
Máy nghe nhạc đơn thuần kích thước nhỏ. Ảnh: Mobilemag. |
Nếu xét về giao diện nghe nhạc thì máy nghe nhạc luôn vượt trội cho dù điện thoại di động có phát triển đến đâu đi nữa. Phần lớn giao diện nghe nhạc của music phone rất đơn giản. Các hãng có xu hướng tạo cho người dùng nhiều phím tắt để nghe nhạc nhanh nên hạn chế ở các chế độ hỗ trợ. Ngoài ra, ở các điện thoại rẻ tiền, chức năng nghe nhạc được xếp ngang hàng với các tiện ích khác như xem lịch làm việc, tính toán... nên chất lượng còn rất hạn chế.
Với một chiếc máy MP3 thuần túy, tính năng nghe nhạc được coi là "cần câu cơm" nên hãng sản xuất phải tập trung vào phát triển phần mềm nghe nhạc, bộ điều khiển. Trong thế giới music phone, phần mềm Walkman của Sony Ericsson được coi là cải tiến và vượt trội nhưng cũng vẫn chẳng cạnh tranh nổi với một chiếc Walkman "chỉ nhạc mà thôi"!
Ngoài ra, những chức năng hỗ trợ người dùng ở điện thoại cũng chưa bằng một máy MP3. Nếu đã sử dụng qua hai thiết bị này, bạn dễ dàng nhận thấy không thể phân loại bài hát theo tên tác giả, không thể lập danh sách bài hát yêu thích hay xáo trộn các bài trong album lên để nghe ngẫu hứng trên một music phone. Trong khi ở máy nghe nhạc, những ứng dụng này là hết sức sơ đẳng.
Máy MP3 chỉ phục vụ mỗi chức năng nghe nhạc nên pin tốt. Ảnh: Guidedbyfomat. |
Về thời lượng pin, nếu đã quen nghe nhạc trong suốt 20 tiếng với chỉ một lần sạc, bạn sẽ thấy khó có thể chịu được việc cứ hai, ba tiếng lại phải sạc một lần trên điện thoại di động. Đương nhiên, 20 giờ nghe nhạc liên tục khó có thể thực hiện được với một người bình thường, nhưng thực tế phải nói rằng, pin của máy MP3 tốt hơn rất nhiều so với điện thoại. Một lý do đơn giản là nó phải chạy ít ứng dụng hơn, trong khi với "dế", năng lượng pin vào tiêu vào nhiều thứ, như bắt sóng di động, chạy đồng hồ, màn hình nghe nhạc...
Phần lớn người dùng điện thoại đều cho rằng tuổi thọ pin của máy là đáng lưu tâm bởi họ không muốn để lỡ một cuộc gọi nào, trong khi đó, một chiếc máy nghe nhạc có hết pin cũng chẳng gây ra rắc rối gì.
Có lẽ tính đến giờ, dòng điện thoại hỗ trợ nghe nhạc nổi danh nhất lại không phải là Walkman của Sony Ericsson mà là iPhone của Apple. Một lý do đơn giản là nó gắn liền với thương hiệu iPod. Ngoài ra, giao diện của iPhone cũng rất quen thuộc và tiện dụng như iPod vậy.