Trên mặt báo, "con dế" mới của Motorola dường như đủ sức hủy diệt iPhone. Màn hình 3,7 inch với độ phân giải 480 x 854 pixel của nó có thể khiến màn hình 3,5 inch, độ phân giải 480 x 320 pixel của Apple iPhone "chết lặng". Đấy là chưa kể Droid còn xoay xở để trang bị được một bàn phím QWERTY trượt dù chỉ dày hơn vẻn vẹn 0,06 inch so với đối thủ mà thôi.
Droid có thể chỉ đường bằng GPS tới từng ngã rẽ, trong khi tính năng tương tự trên iPhone sẽ bắt bạn phải chi thêm 100 USD để mua ứng dụng. Mặc dù vậy, tất cả những sự so sánh đó vẫn là chưa đủ để Droid có thể đạt được danh xưng "Sát thủ iPhone".
Chắc chắn, máy ảnh số 5 chấm với đèn flash của Droid dư sức đánh bại camera 3,2 megapixel, vốn là một điểm yếu nổi tiếng của iPhone. Thêm nữa, Droid có khe cắm thẻ nhớ SD và pin tháo rời được. Chưa bao giờ iPhone là một mẫu điện thoại nổi bật, đột phá về mặt cấu hình. Luôn luôn có những mẫu "dế" khác với camera "ngon hơn", bà phím thực và danh sách tính năng phong phú hơn iPhone.
Mặc dù vậy, thành công của iPhone vẫn luôn lấn át những điểm hạn chế của nó. Người dùng mê mẩn trước giao diện sành điệu, thông minh và công nghệ điều khiển bằng cử động đầy sáng tạo, thú vị của nó.
Dù hệ điều hành Android 2.0 có cố gắng thu hẹp khoảng cách về phần mềm và tính hữu dụng với đối thủ, thì cũng không thể phủ nhận rằng iPhone đã chinh phục được một số đông người dùng. Nói đúng hơn, đó là những khách hàng hoàn toàn trung thành với nó, thần tượng nó. Nên biết rằng trong kinh doanh, thói quen và sự thân thiết luôn là những yếu tố hết sức quan trọng. Mỗi năm, Apple lại làm mới nền tảng iPhone ít nhất một lần, khiến cho nó trở nên mạnh hơn và nhiều công năng hơn.
Apple biết rõ khi nào thì các đối thủ vượt lên và ngay lập tức phủ đầu trước bằng phiên bản iPhone "kế tiếp". Ngay cả người dùng của hãng cũng biết điều này, thế nên thà họ chờ Apple tung ra một model mới tốt hơn của chiếc máy đang-dùng-quen, còn hơn là đánh vật với một nền tảng hoàn toàn xa lạ.
Nói cách khác, người dùng đã trở nên thoải mái và quen thuộc với "hệ sinh thái iPhone". Họ rành rẽ cách dùng dịch vụ iTunes, quầy ứng dụng App và điều khiển máy nghe nhạc iPod nhoay nhoáy. Apple đã có nhiều năm trau chuốt cho mối quan hệ giữa các ứng dụng/dịch vụ này, làm cho chúng tương thích và hỗ trợ nhau một cách tuyệt đối.
Cũng đừng quên vai trò của bản thân các ứng dụng. Dù quầy ứng dụng Android đã sở hữu được con số 10.000 ứng dụng đầy ấn tượng, song chừng ấy chỉ là hạt cát nếu đem so với thư viện khổng lồ 100.000 chương trình các loại của Apple Store. Mỗi người dùng iPhone đều có hàng tá ứng dụng thiết yếu mà họ không thể sống thiếu.
Các sản phẩm của Apple luôn mạnh về những yếu tố bên ngoài hơn là "thân xác" bên trong. Thế nên dù Droid có hấp dẫn và sở hữu cấu hình ưu việt đến đâu, nó vẫn chỉ là một chiếc điện thoại nắp trượt với rất nhiều phím bấm. Nó không thể đe dọa thiết kế "hàng hiệu" của iPhone, một thực tế đáng buồn của "cái đẹp đã đánh chết cái nết".
Điều mà Droid làm được và làm tốt chính là củng cố và thúc đẩy tiến trình phát triển, hoàn thiện của Android. Nền tảng nguồn mở của Google đang chứng tỏ mình là một đấu thủ mạnh trên địa hạt smartphone, với hàng chục mẫu điện thoại đã và sắp ra lò từ tất cả các thương hiệu lớn. Tuy nhiên, Android sẽ chỉ có thể đe dọa BlackBerry, Palm và Windows Mobile trước khi ghi được dấu ấn trong cộng đồng người dùng iPhone.