Việt Nam là một trong những nhà sản xuất và xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, nhưng sinh kế của một số nông dân đang bị đe dọa.
Nước biển xâm nhập từ lâu đã trở thành một vấn đề nan giải ở vùng trũng đồng bằng sông Cửu Long, nơi trồng lúa của hơn một nửa cả nước. Trong mùa khô, nước mặn có thể ngấm vào ruộng và làm hỏng mùa màng. Người ta cho rằng mực nước biển dâng cao đang làm trầm trọng thêm vấn đề.
Quỹ Quốc tế về phát triển Nông nghiệp (IFAD) và Chính phủ Việt Nam đã ra mắt ứng dụng công nghệ để theo dõi độ mặn của nước có tên là Mekong. Nhờ app này, người nông dân trồng lúa quyết định khi nào nên xả nước ngọt trên ruộng lúa để bảo vệ mùa màng của họ.
Số liệu về độ mặn, chiều cao mực nước sẽ được cập nhật liên tục 3 giờ/lần mỗi ngày tại các điểm có lắp đặt hệ thống quan trắc.
Ngoài ra, ứng dụng còn cung cấp thông tin số liệu côn trùng, truy xuất nguồn gốc, màu lúa, lịch đóng/mở cống ở khu vực ruộng của người nông dân…
Chị Thach Thi Tam, nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long, cho biết: “So với hồi trước, ông bà cha mẹ muốn biết nước ngọt hay mặn thì phải nếm nước để giám sát được độ mặn hay ngọt là bao nhiêu để cho nước vào ruộng. thì ngày nay, mình có thể ở nhà mà vẫn lấy thông tin được”.
Chị chia sẻ thêm rằng, trước đây, khi nước mặn xâm nhập vào gây ảnh hưởng đến lúa, thậm chí lúa đang trổ hoặc vừa mới gieo đều bị chết nguyên cả cánh đồng.
“Khi độ mặn ở mức rất cao thì sẽ gây ảnh hưởng đến khả năng hút nước của gốc cây lúa và những cánh đồng này bị tàn phá hoàn toàn” – bà Kisa Mfalila thuộc IFAD cho hay. “Phối hợp với Chính phủ Việt Nam, chúng tôi cho ra đời một ứng dụng trên điện thoại dựa trên các cảm biến. Nó hoạt động giống như một hệ thống cảnh báo và có thể thu thập dữ liệu độ kiềm, độ mặn, PH và mực thủy triều. Kết quả được giám sát và gửi tới người nông dân sử dụng ứng dụng đơn giản này. Do đó, họ có thể nhanh chóng ứng phó để bảo vệ mùa màng của mình bằng cách xả thêm nước nhằm giảm mặn cho cánh đồng”.
Hiện, ứng dụng Mekong đang được triển khai miễn phí và thử nghiệm trên 50.000 hộ gia đình