Kinh tế toàn cầu suy thoái đã khiến các hãng điện tử liên tục thua lỗ trầm trọng. Theo báo cáo kết quả quý I, trung bình mỗi ngày hãng điện tử Hà Lan mất gần 1 triệu USD.
TV là một trong 3 nhóm mặt hàng thua lỗ nhiều nhất của hãng. Nguồn: Blogcdn |
Kết quả tồi tệ này là hậu quả của việc tất cả các lĩnh vực kinh doanh của Philips như điện tử tiêu dùng, xây dựng và bộ phận xe hơi đều thua lỗ nặng nề. Cho đến nay, vẫn chưa hề có một dấu hiệu nào cho thấy tình hình kinh doanh của họ sẽ sáng sủa hơn trong những tháng tiếp theo như thừa nhận của ông Chủ tịch Gerard Kleisterlee.
Bên cạnh việc trông đợi vào thị trường thiết bị y tế Mỹ, Philips cho biết họ vẫn phải tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D), tiếp thị và tiến hành những vụ thâu tóm nhỏ trong khi trông đợi vào luồng vốn rút về từ hãng sản xuất màn hình LG Display.
Kleisterlee vẫn tỏ ra lạc quan: "Chúng tôi vẫn tin tưởng rằng Philips sẽ vượt qua giai đoạn khủng hoảng này với tư thế của một công ty mạnh. Nhưng danh mục đầu tư mà hãng đang theo đuổi đã phải gánh chịu những tổn thất nặng nề nhưng chúng vẫn có triển vọng hơn hẳn những danh mục mà chúng tôi đã có của cuộc khủng hoảng lần trước".
Doanh số mảng sản phẩm điện tử tiêu dùng của Philips đã giảm khoảng 25% so với 1 năm trước đây trong đó thiệt hại nặng nề nhất là nhóm hàng TV, thiết bị audio và video khi chỉ còn bằng khoảng 1/3 so với doanh số của năm 2008.
Philips cũng nhận thấy rằng, các thị trường mới nổi đang phải chịu nhiều ảnh hưởng của khủng hoảng hơn thị trường của các quốc gia phát triển (mức suy giảm của thị trưởng mới nổi là 21% trong khi các thị trường khác chỉ là 15%).