Ngành bảo mật toàn cầu đang đứng trước thử thách lớn hơn bao giờ hết: trong năm 2013 đã có tới 30 triệu mã độc, tương ứng với 20% tổng số mã độc trong lịch sử ra đời.
Số liệu do PandaLabs đưa ra cho thấy mỗi ngày có tới 82.000 nguy cơ mã độc mới xuất hiện. Con số này khủng khiếp tới mức kể cả nếu bị mã độc tấn công 1 lần mỗi tháng, bạn cũng vẫn tránh được 99,999% các nguy cơ tiềm ẩn.
Trong năm 2013, Trojan chiếm tới 70% nguy cơ mã độc, worm chiếm 13,3%, virus chiếm 8,49% và mã độc quảng cáo/theo dõi chiếm 6,93%. Số lượng các vụ lây nhiễm mã độc thành công cũng cho thấy tỉ lệ tương tự: Trojan chiếm khoảng 80% số vụ lây nhiễm mã độc trong năm ngoái.
Trung Quốc đang là quốc gia có tỉ lệ thiết bị bị nhiễm mã độc đứng đầu thế giới: 54,03%. Đây không phải là một số liệu đáng ngạc nhiên, do rất nhiều máy tính tại Trung Quốc vẫn đang sử dụng Windows XP và các phần mềm lậu.
Các con số khủng khiếp mà PandaLabs không khiến các chuyên gia bảo mật phải bất ngờ, do trong năm trước cả 4 ông lớn công nghệ Twitter, Facebook, Apple và Microsoft đều bị tấn công thông qua lỗ hổng của Java. Vụ tấn công làm rò rỉ thông tin hàng triệu người dùng nhắm vào Adobe có thể coi là sự kiện tồi tệ nhất trong lịch sử bảo mật phần mềm/dịch vụ mạng, với số lượng mật khẩu và tên người dùng bị rò rỉ lên tới 38 triệu tài khoản.
Trên mặt trận di động, Android tiếp tục bị đánh giá là hệ điều hành bảo mật kém nhất: có tới 2 triệu dòng mã độc được viết riêng cho hệ điều hành di động của Google. Đặc biệt, rất nhiều ứng dụng hợp lệ trên chợ Google Play Store bị đính kèm các đoạn quảng cáo độc. PandaLabs đưa ra cảnh báo rằng người dùng Android sẽ phải đối mặt với một làn sóng đánh cắp thông tin cá nhân và tài chính khổng lồ vào năm 2014.