Sự hào hứng ban đầu của các kĩ sư tháo máy bị "dội gáo nước lạnh" ngay ở bước đầu tiên: ốc không “ăn” tuốc nơ vít. Sau những nỗ lực hết mình, vẫn chỉ có hai con ốc chịu mở, và họ đành phải vặn ra bằng tay. Sau khi tháo vỏ máy, điều đầu tiên đáng chú ý là ăng ten của G1 được ghép khéo léo vào bên hông, nối với một loạt chip và IC ở dưới. Ăng ten thoại có hình dáng khá kì lạ.
Bo mạch chính của máy được tháo ra khá dễ dàng, với kí hiệu “M” viết tắt của Matsushita, hay Panasonic trên bảng mạch. HTC Đài Loan dường như rất tín nhiệm sản phẩm của Panasonic khi dùng sản phẩm của hãng cho khá nhiều điện thoại đa chức năng sản xuất gần đây.
Chức năng la bàn của G1 được một mô đun cảm nhận từ tính nhỏ nằm ở phía bên của bản mạch đảm nhận. Tháo bàn phím cũng khó khăn không kém vỏ máy, do bàn phím của G1 được thiết kế quá mỏng.
“Bí mật” thú vị của G1 được hé lộ khi tách rời màn hình ra làm hai phần: một mô tơ khác được giấu khéo léo giữa bản mạch màn LCD và khe nhựa bên trong. Như thế, T-Mobile G1 trang bị tới 2 mô tơ, một trong màn hình và một trong bàn phím.
Tiếp tục khám phá phần màn hình, các kĩ sư phát hiện màn hình được gắn vào bàn phím bằng một thanh nhựa khá mỏng. Nằm sâu hơn nữa là một loạt chip, có thể dùng cho mạng Wi-fi, và bộ phận cảm ứng chuyển động của quả bóng trackball. Nhìn từ bên ngoài, thành phần này giống hệt như trackball dùng trong BlackBerry Bold của RIM. Quanh đó, ta có thể thấy khe cắm thẻ nhớ SD, Mini USB và một con chip, có thể dành cho chức năng Bluetooth.
|