Các nhà khoa học Đức và Nhật vừa sử dụng siêu máy tính nhanh thứ 4 thế giới, K Computer của Fujitsu, để mô phỏng khả năng hoạt động của 1,73 tỷ neuron kết nối với nhau bởi 10,4 nghìn tỷ khớp thần kinh.
Các nhà khoc học thuộc viện nghiên cứu Riken của Nhật Bản cho biết K Computer phải mất 40 phút để mô phỏng được hoạt động của neuron thần kinh trong 1 giây. Để làm được điều này, mẫu siêu máy tính nhanh thứ 4 thế giới phải tận dụng sức mạnh từ 82.944 vi xử lý.
K Computer do Fujitsu sản xuất. (Ảnh: Cnet).
Mỗi khớp thần kinh mô phỏng kết nối ngẫu nhiên các neuron với nhau đã chiếm tới 24 byte bộ nhớ nhằm tăng độ chính xác cho kết quả của bài kiểm tra. Do đó, tổng dung lượng bộ nhớ phải cần đến là 1 petabyte, đủ để chạy 250.000 chiếc máy tính thông thường. Theo Cnet, phần mềm được sử dụng cho bài mô phỏng là mã nguồn mở NEST.
"Nếu những mẫu siêu máy tính hàng đầu như K Computer chỉ mô phỏng được 1% tốc độ tư duy của não người thì việc tái hiện khả năng hoạt động của toàn bộ bộ não chắc phải chờ tới vài thập kỷ nữa", Markus Diesmann, một nhà nghiên cứu thuộc viện Khoa học Thần kinh và Y học tại Forschungszentrum Julich (Đức) cho biết.
Bộ Khoa học của Nhật Bản cho biết các thế hệ các siêu máy tính có tốc độ nhanh gấp 100 lần so với K Computer có thể được giới thiệu vào năm 2020. Những model này có thể được sử dụng để dự báo động đất.
K Computer là mẫu siêu máy tính được đặt tại viện Khoa học Máy tính Cao cấp tại Koba (Nhật Bản). Sản phẩm này có thể xử lý 10,51 triệu tỷ phép tính một giây (hay petaflop/giây).