Microsoft bắt hơn 2 triệu "tên ăn cắp mật khẩu"

Bản cập nhật bảo mật tháng 6 thực sự là một tin xấu đối với bọn tội phạm mạng sống chủ yếu bằng việc ăn cắp thông tin tài khoản game online.

Phiên bản mới Malicious Software Removal Tool - Ứng dụng bảo mật tiêu diệt mã độc miễn phí của riêng Microsoft - chỉ trong vòng có một tuần đầu tiên kể từ khi ra mắt đã "tóm cổ" được những phần mềm chuyên ăn cắp mật khẩu trên hơn 2 triệu PC khác nhau.

Cụ thể, "tên ăn cắp mật khẩu" có tên Taterf đã được phát hiện trên 700.000 PC khác nhau ngay trong ngày đầu phiên bản mới Malicious Software Removal Tool ra mắt. Con số này cao gấp hai lần số lượng mã độc được phát hiện trong một tháng kể từ khi sâu Storm - con sâu máy tính có khả năng lây nhiễm mạnh nhất - được phát hiện.

Tính từ ngày 10-17/6, Microsoft đã tiêu diệt được Taterf trên tổng cộng 1,3 triệu PC Windows có cài đặt và sử dụng Malicious Software Removal Tool.

Cùng lúc đó hãng phần mềm cũng phát hiện thấy sâu Storm tiếp tục hoành hành và vẫn là mã độc nguy hiểm nhất trên Internet.

Taterf là một trong những dòng mã độc ăn cắp mật khẩu tài khoản game online phổ biến nhất trên Internet. Đơn giản là bởi tin tặc có thể kiếm được một khoản khá bộn từ việc bán tiền ảo trong game lấy tiền thật ngoài đời.

Sử dụng thông tin lấy được từ người dùng, tin tặc sẽ có thể đăng nhập vào tài khoản game online và bán những tài sản ảo trong nhân vật của họ để lấy tiền thật. Sự phát triển mạnh của game online như hiện nay đã giúp hình thành nên cả một thị trường chợ đen chuyên buôn bán kinh doanh các tài sản ảo, tạo điều kiện giúp tin tặc kiếm khá bộn từ "công việc ăn cắp tài khoản game online".

Thông thường các phần mềm ăn cắp thông tin cá nhân thường được phát tán thông qua các website độc hại hoặc tấn công khai thác lỗ hổng phần mềm được sử dụng phổ biến như Adobe Flash Player hoặc Apple QuickTime.

Game online World of War Craft hiện vẫn là mục tiêu bị tấn công nhiều nhất bởi đơn giản đây là game online được nhiều người sử dụng nhất. Game thủ Trung Quốc cũng là mục tiêu được ưa thích nhất trong các vụ tấn công. Đứng ở những vị trí tiếp theo là Đài Loan, Tây Ban Nha, Mỹ và Hàn Quốc.

Game thủ thường rất dễ trở thành nạn nhân của tin tặc ăn cắp thông tin cá nhân bởi họ thường xuyên vô hiệu hóa phần mềm bảo mật nhằm tăng cường hiệu suất vận hành và tiết kiệm bộ nhớ dành cho game.

Thứ Hai, 23/06/2008 10:35
31 👨 123
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp