Mẹo chọn RAM phù hợp nhất cho PC của bạn

Các mô-đun RAM là một trong những phần quan trọng nhất trong bất kỳ hệ thống PC nào. RAM tốt có thể mang lại cho bạn nhiều lợi ích, điển hình là sự gia tăng đáng kể trong hiệu suất và khả năng đa nhiệm của hệ thống. Tuy nhiên, việc lựa chọn RAM thế nào cho đúng và hợp lý không phải là điều mà ai cũng biết. Dưới đây là một số mẹo để chọn RAM phù hợp nhất với PC của bạn.

Mua ít nhất hai thanh RAM riêng biệt

Trước tiên, có lẽ điều quan trọng nhất mà bạn nên ghi nhớ là đừng bao giờ chỉ mua một thanh RAM duy nhất. Nếu bạn muốn sở hữu 16GB RAM trên PC, hãy mua hai thanh 8GB hoặc bốn thanh 4GB.

Nếu bạn sử dụng một thanh RAM duy nhất trên PC của mình, nó sẽ vẫn hoạt động bình thường, nhưng sẽ rất hao phí vì bộ nhớ về cơ bản sẽ chạy ở một nửa tổng tốc độ tiềm năng của nó. Nói theo cách dễ hiểu, máy tính của bạn có thể truy cập dữ liệu song song từ cả hai mô-đun bộ nhớ và hệ thống có thể xử lý thông tin hiệu quả và nhanh hơn, dẫn đến hiệu suất tổng thể được cải thiện.

Ví dụ, với một thanh RAM DDR4 16GB, bạn sẽ có Bus Width (độ rộng băng thông để truyền tải dữ liệu) là 64 bit. Nếu có một lượng dữ liệu được truyền từ CPU đến RAM trong vòng 1 giây. Dữ liệu này sau khi được xử lý sẽ truyền ngược từ RAM về CPU trong 1 giây kế tiếp. Khi quá trình này hoàn tất, bộ nhớ mới tiếp tục xử lý dữ liệu khác.

Còn giả sử bạn sử dụng 2 thanh RAM DDR4 8GB. Lúc này, Bus Width sẽ không phải là 64 bit mà là 128 bit. Khi một lượng dữ liệu được truyền từ CPU đến RAM thì ở chiều ngược lai, cũng sẽ có 1 lượng dữ liệu khác truyền từ RAM về CPU (lượng dữ liệu này được xử lý ở quá trình truyền tải trước đó). Đây là điều mà một thanh RAM đơn lẻ không thể làm được.

Mua ít nhất hai thanh RAM riêng biệt

Nhìn chung, RAM kênh đôi giúp giảm tắc nghẽn và nâng cao khả năng xử lý các tác vụ cần nhiều bộ nhớ của máy tính, chẳng hạn như chơi game, chỉnh sửa đa phương tiện và chạy nhiều ứng dụng đồng thời.

Tất nhiên, vấn đề không chỉ đơn giản là mua RAM và lắp vào PC. Bạn cần đảm bảo rằng RAM được lắp vào các khe thích hợp, thường là khe 2 và 4 trên hầu hết các bo mạch chủ, để tận dụng chế độ kênh đôi.

Kiểm tra Ram timing

Khi xem thông số kỹ thuật của bộ nhớ (RAM), nhiều người sẽ nhìn vào tốc độ xung nhịp. Đối với RAM DDR5, xung nhịp có thể lên tới 4.800MHz hoặc 5.600MHz. Nhưng một yếu tố quan trọng không kém cần xem xét là timing.

Timing có thể được coi là “thời gian phản hồi” của bộ nhớ máy tính. Nó biểu thị thời gian cần thiết để bộ nhớ phản ứng và cung cấp dữ liệu mà máy tính cần. Timing thấp đồng nghĩa với thời gian phản hồi nhanh hơn, dẫn đến hiệu suất tổng thể của hệ thống cũng tốt hơn.

Bạn sẽ thấy timing của RAM dưới dạng một dãy số, chẳng hạn như 9-9-9-24 hoặc 5-5-5-15, được in trên bảng thông số kỹ thuật của RAM. Tuy nhiên, thông số được xem phổ biến nhất ở đây là độ trễ CAS hoặc CL. Về cơ bản, đây là độ trễ tồn tại giữa thời điểm nhận được lệnh và thời gian RAM thực sự có thể cung cấp dữ liệu được yêu cầu. Độ trễ này được đo bằng chu kỳ xung nhịp. Nếu một thanh RAM nói rằng nó có CL là 9, điều đó có nghĩa là RAM sẽ mất chín chu kỳ xung nhịp để phân phối dữ liệu được yêu cầu kể từ thời điểm yêu cầu thực tế. Nếu có CL là 15, nó sẽ mất mười lăm chu kỳ xung nhịp. Thông số này càng thấp sẽ càng tốt.

Về mặt thực tế, thời gian thấp hơn (phản hồi nhanh hơn) thường dễ nhận thấy trong các tác vụ hàng ngày như chơi game hoặc sử dụng nhiều ứng dụng. Trong khi tốc độ xung nhịp cao hơn (truyền dữ liệu nhanh hơn) sẽ có lợi trong các tác vụ liên quan đến truyền tệp lớn hoặc làm việc với phần mềm nặng. Một sự cân bằng tốt giữa cả hai là lý tưởng cho hiệu suất tối ưu.

Kiểm tra tốc độ/công suất

Chúng ta đang nói về dung lượng và tốc độ xung nhịp.

Tốc độ xung nhịp của RAM, thường được đo bằng MHz, xác định số chu kỳ dữ liệu mà mô-đun RAM có thể hoàn thành trong một giây. Tốc độ xung nhịp cao hơn cho phép tốc độ truyền dữ liệu nhanh hơn và có thể dẫn đến tăng băng thông. Thông số này càng nhanh sẽ càng tốt, nhưng điều đó không nhất thiết có nghĩa là bạn phải dốc toàn lực và mua một bộ DDR5-6000 — RAM nhanh hơn sẽ giúp bạn tăng hiệu suất, nhưng nó sẽ không bù đắp được cho các thành phần chậm hơn khác trong hệ thống.

Hãy chọn loạt RAM tốt nhất phù hợp với ngân sách của bạn. Nếu bạn có một số tiền nhất định dành riêng cho RAM 32GB, hãy đảm bảo rằng bạn mua mẫu nào nhanh nhất trong mức ngân sách đó, tất nhiên là đến từ một thương hiệu uy tín và có bảo hành. Đừng lãng phí ngân sách của mình vì YouTuber công nghệ nào đó nói cho bạn rằng có một loại RAM cực nhanh và hứa hẹn sẽ đạt được hiệu suất đáng kinh ngạc.

Về dung lượng, nó thực sự phụ thuộc vào nhu cầu cụ thể của bạn, nhưng bạn cũng nên tránh sử dụng quá mức cần thiết trừ khi thực sự cần. 8GB RAM phải là mức tối thiểu và bạn nên đặt mục tiêu đặt ít nhất 16GB RAM trên PC của mình. 32GB có lẽ là lý tưởng, nhưng bạn cũng nên xem xét đến điều kiện thực tế, trừ khi bạn có nhu cầu đa nhiệm rất khắt khe.

Tản nhiệt không phải là vấn đề

Cuối cùng, có lẽ bạn đã thấy rất nhiều thiết kế RAM với các loại tản nhiệt khác nhau. Trong khi một số mô-đun cụ thể lại hoàn toàn không có bất kỳ loại tản nhiệt nào.

Có lẽ bạn đang tự hỏi liệu tản nhiệt có tạo ra sự khác biệt nào hay không. Phải khẳng định luôn: Chúng hoàn toàn không quan trọng đối với các mô-đun RAM.

Tản nhiệt không phải là vấn đề

Chắc chắn RAM sẽ nóng lên trong quá trình sử dụng. Nhưng trừ khi bạn thực sự chạy hết tốc độ của nó và thực hiện một số thao tác ép xung mạnh, nhiệt lượng tỏa ra thường ở mức tối thiểu, đủ để tản nhiệt bình thường bằng không khí. Tản nhiệt RAM phục vụ chủ yếu cho mục đích thẩm mỹ — đó là nơi đèn RGB phát huy tác dụng và các nhà sản xuất sẽ đặt tất cả các loại chi tiết thẩm mỹ vào đó để làm cho các mô-đun RAM trông bắt mắt hơn.

Chúc bạn chọn được những thanh RAM ưng ý cho hệ thống của mình!

Thứ Ba, 27/06/2023 10:50
52 👨 482
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Chuyện công nghệ