Mặc dù những bức ảnh chụp bằng chế độ macro trong máy ảnh ngắm chụp không thể so sánh được với DSLR và ống macro chuyên dụng, nhưng cũng khá ấn tượng nếu biết cách.
Máy ảnh compact không hề là một trở ngại với người chơi ảnh chưa có điều kiện lên DSLR. Nếu biết chụp, với chế độ macro sẵn trong máy, người chơi cũng có thể bắt được những khoảnh khắc ấn tượng. Dưới đây là một số gợi ý của chuyên gia Darren Rowse, từ trang Digital Photography School.
Ảnh chụp từ máy Canon Powershot SX20 IS, chế độ macro. Ảnh: Lê Phương.
Chọn chế độ chụp macro (Macro mode)
Đây là thao tác đầu tiên khi muốn chụp macro, nhưng khá bất ngờ là nhiều người sử dụng máy ảnh lại không phát hiện ra máy họ có chức năng này. Chế độ chụp macro thường được ký hiệu bằng một bông hoa nhỏ, khi chọn thì nó báo cho máy biết là người chụp muốn lấy nét vào đối tượng ở gần ống kính hơn bình thường (khoảng cách tối thiểu này khác nhau tùy theo dòng máy). Chế độ macro cũng báo cho máy là phải lấy nét vào đối tượng chứ không phải là nền đằng sau.
Sử dụng chân máy
Chân máy đặc biệt hữu ích khi chụp ảnh macro, ngay cả với máy ngắm chụp. Giữ máy đứng yên không chỉ tăng chất lượng ảnh (vì chống rung), mà còn cho phép chụp xung quanh với nhiều cách phối cảnh mà lo mất bố cục.
Độ mở của ống kính
Khi kích hoạt chế độ chụp macro, một số máy sẽ không cho phép điều chỉnh thông số, tuy nhiên, nếu có thể thay đổi độ mở ống kính thì đó là điều nên làm. Độ mở ống kính (khẩu độ) ảnh hưởng đến độ sâu trường ảnh (DoF – Depth of Field) trong bức hình. Chọn độ mở nhỏ (số f lớn) khi muốn lấy nét tất cả đối tượng, hoặc độ mở lớn khi chỉ muốn lấy nét chủ thể ảnh. Khi chụp ảnh macro, nên chọn trường ảnh nông, vì vậy hãy để độ mở ống kính lớn nhất có thể.
Chụp bằng máy Canon Powershot SX20 IS, chế độ super macro mode. Ảnh: Lê Phương.
Lấy nét
Nếu có thể điều khiển toàn bộ quá trình lấy nét thì sẽ rất hữu ích, đặc biệt là khi điều chỉnh được trường ảnh nông vào vùng lấy nét trên đối tượng chính của bức hình. Nếu máy ảnh cho phép tự điều chỉnh lấy nét, hãy chọn và điều chỉnh lấy nét đến vùng đối tượng làm điểm nhấn của ảnh.
Bố cục ảnh
Một số quy tắc bố cục chính mà người chụp luôn phải "nằm lòng", ví dụ quy tắc một phần ba. Hãy chắc chắn là trong bức ảnh có một điểm nhấn chính và đặt điểm lấy nét ở một vị trí thông minh để dẫn đường đi cho đôi mắt người xem. Cố gắng chọn nền ít phức tạp hoặc đơn giản cho đối tượng ảnh thì sẽ không bị đối chọi thị giác.
Đèn flash
Đưa một chút ánh sáng nhân tạo vào ảnh macro khá quan trọng. Cái khó ở đây là hầu hết máy ảnh ngắm chụp chỉ cho phép điều khiển đèn flash trong giới hạn nhất định. Vì vậy, đôi khi người chụp phải đánh cược bằng cách chọn thời điểm nào trong ngày có nhiều ánh sáng phù hợp nhất. Nếu thực sự cần nhiều ánh sáng hơn, hãy kiểm tra xem máy có cho phép giảm mức độ sáng của đèn flash xuống hay không. Hãy thử khuếch tán flash bằng cách dùng giấy ăn hoặc băng dính trong che trước đèn. Sử dụng một vài nguồn sáng nhân tạo khác hoặc đầu tư một tấm hắt sáng cũng là những lựa chọn không tồi đển tạo tối đa ánh sáng thuận lợi. Quan trọng là người chụp phải thực hành với nhiều cách chiếu sáng chủ thể khác nhau.
Ảnh macro chụp bằng máy compact ở chế độ macro, nhưng có sử dụng 2 hắt sáng.
Ảnh: Photographyblog.
Chụp ảnh
Nên chắc chắn rằng, một khi đã chụp, hình ảnh trên màn hình LCD hiện lên phải thật tốt, zoom vào để chắc chắn là đã lấy nét chuẩn. Thử chụp thêm khi thay đổi chút ít về độ mở, bố cục và điểm lấy nét khác trên đối tượng để xem cách nào là tốt nhất.
Ống kính macro hỗ trợ
Một số máy ảnh ngắm chụp có thể gắn thêm phụ kiện hỗ trợ chụp macro hay close-up. Chúng giúp phóng to chủ đề hoặc thu ngắn tiêu cự tối thiểu.
Hẹn giờ
Thông thường, khi sử dụng DSLR để chụp ảnh macro, các nhiếp ảnh gia thường dùng dây bấm mềm và chân máy để chắc chắn ảnh không bị rung. Hiện tượng này thường xảy ra khi bấm nút mở màn trập. Hầu hết máy ngắm chụp không có dây bấm mềm, nhưng có thể sử dụng cách khác. Đơn giản là đặt hẹn giờ cho máy với thời gian hẹn ngắn nhất có thể, điều này cũng có nghĩa là không cần di chuyển máy khi chụp.
Về mặt kỹ thuật, ở chế độ macro, đối tượng trong ảnh thu vào cảm biến với kích thước thực (hoặc lớn hơn) ở tỷ lệ 1:1. Trong thực tế, đa số máy ảnh compact đều không đáp ứng được yêu cầu này nên khái niệm chụp close-up là phù hợp hơn.