Du lịch được Chính Phủ xác định là ngành kinh tế mũi nhọn với những khoản đầu tư khổng lồ. Chi tiêu Chính Phủ trong Kế Hoạch Hành Động Du Lịch Quốc Gia từ 2000 – 2005 lên đến 112 tỷ đồng (trên 7 triệu USD), một phần trong số này được dùng để hỗ trợ công tác xúc tiến du lịch trong và ngoài nước. Trong xu thế chung đó, doanh nghiệp (DN) thuộc lĩnh vực du lịch cũng ra sức đẩy mạnh hoạt động. Tuy nhiên, không phải tất cả các DN hay cơ quan nhà nước đều hiểu được CNTT chính là một trong những công cụ hỗ trợ đắc lực cho việc phát triển du lịch.
Báo cáo Thương Mại Điện Tử (TMĐT) 2005 của Tổ Chức Liên Hợp Quốc về Thương Mại và Phát Triển (UNCTAD) ghi nhận, du lịch là một dạng thành công nhất của thương mại điện tử. Hiện nay, lợi thế cạnh tranh trong kinh doanh sẽ thuộc về những nhà cung cấp dịch vụ qua mạng nhanh, rẻ, tiện lợi. Hơn thế, ở những thị trường lớn như Mỹ và châu Âu, xu hướng cạnh tranh mới còn là việc cung cấp nhiều thông tin trên mạng. Chẳng hạn, trang web của Expedia – một trong số các trang web du lịch lớn nhất thế giới - cho phép khách hàng đánh giá, xếp loại KS, viết bình luận, đọc kiến nghị của du khách...
Bãi biển Nha Trang |
Tại Việt Nam, Holiday Tours là một công ty chuyên tổ chức kinh doanh tour và khách sạn (KS) chủ yếu qua trang web www.asiabestlink.com. Ông Nguyễn Việt Cường, giám đốc công ty cho biết: Trang web này trung bình có khoảng 6.000 lượt truy cập/tháng và tỷ lệ đặt tour trực tuyến chiếm 10% số này. Đây là một tỷ lệ cao đối với các công ty du lịch Việt Nam". Cũng theo ông Cường, khách du lịch hiện nay có thói quen tìm hiểu thông tin trước chuyến đi. Họ tham khảo kỹ càng hơn để lựa chọn dịch vụ tốt nhất trước khi quyết định sử dụng thẻ tín dụng. Trước đây, thông tin được lưu trữ trong máy tính, nhưng người sử dụng không được truy cập trực tiếp. Hiện nay, sự phát triển của Internet và web cho phép mọi người đều có thể tiếp cận thông tin. CNTT đã thay đổi cách thức vận hành của các công ty du lịch, nhà hàng, khách sạn. Dịch vụ du lịch trực tuyến với các hoạt động như đặt vé, tour, phòng qua mạng đã trở nên phổ biến đối với người tiêu dùng ở nhiều nơi qua website, cổng thông tin... Không những thế, cung cấp dịch vụ trực tuyến còn là một yêu cầu khi hội nhập. Điển hình là Hiệp Hội Vận Tải Hàng Không Quốc Tế (IATA) đang đi đầu với việc kế hoạch bán vé điện tử hoàn toàn vào năm 2007 và Hãng Hàng Không Việt Nam cũng đang gấp rút chuẩn bị cho ra đời vé điện tử thay vé giấy theo yêu cầu của IATA. Các tổ chức, hiệp hội quốc tế cũng có những tiêu chuẩn chung cho việc cung cấp giới thiệu sản phẩm du lịch trên mạng. Chẳng hạn, thông tin về một chương trình tour cần 4 yếu tố: điểm đến, dịch vụ kèm theo, chất lượng dịch vụ, giá cả.
Vậy Việt Nam cần làm gì để phát triển TMĐT trong ngành du lịch? Báo cáo của Dự án Nâng Cao Năng Lực Cạnh Tranh - VNCI cho rằng: Chính Phủ nên đầu tư hơn nữa vào việc nâng cấp hạ tầng cơ sở CNTT như băng thông, cổng kết nối địa phương để giảm mức phí và có được dịch vụ ổn định. Điều này sẽ khuyến khích các khách hàng ứng dụng CNTT nhiều hơn và tăng tính cạnh tranh của ngành du lịch. Chính Phủ cũng cần hoàn thiện các quy định liên quan đến nội dung, thanh toán Internet trực tuyến.
Tỷ lệ khách du lịch đến Việt Nam từ những nước có mức chi tiêu cao và có mức độ phát triển TMĐT cao ngày càng tăng: Nhật 235%, Mỹ 129%, Úc 204%, Đức 290%, Thụy Điển 173%. Đó là chưa kể 12,5 triệu dân đang dùng Internet cho thấy thị trường tiềm năng cho các DN du lịch trong nước là rất lớn.
|
Thực hiện: Thu Nga - Đại Nguyên - Phi Quân