Internet - công cụ để "nghĩ toàn cầu"!

Ông Nguyễn Xuân Phong - Giám đốc Hanoi-Aptech (trái) và GS. Nguyễn Quang A tại Hội thảo

"Sinh viên và Kỷ nguyên Internet thế hệ mới" - đó là chủ đề vừa có tính khu biệt (sinh viên) lại vừa quá rộng (Kỷ nguyên Internet thế hệ mới) được đặt ra trong Hội thảo do Hanoi-Aptech và ĐH Công nghệ thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội phối hợp tổ chức, vừa diễn ra vào tối 01/12/2005.

Hàng nghìn bạn trẻ có mặt đông đủ tại Hội trường 10/12 của ĐH Quốc gia Hà Nội có lẽ đều muốn biết mình đang ở đâu, mình cần "hành động" thế nào khi Internet mở toang cánh cửa thế giới và bước vào kỷ nguyên mới - thông tin không giới hạn.

Câu slogan (khẩu hiệu) "we change lives... globally" xuất hiện thường trực trong buổi Hội thảo (mang nhiều tính chất của buổi giao lưu cởi mở) khẳng định tinh thần chủ động và không tan theo dòng chảy của thời đại @. Các vị diễn giả cũng tập trung vào những chủ đề đầy sức thu hút, qua đó các bạn SV có thể nắm bắt xu hướng phát triển của Internet trong tương lai và chuẩn bị để tận dụng tốt nhất các cơ hội nó đem lại.

Kỷ nguyên Internet thế hệ mới?

Cuộc cách mạng công nghệ thông tin” mà báo chí kinh doanh đã tung ra trong 20 năm qua mới là phần mở đầu. 20 năm vừa qua chỉ là bận việc rèn, mài sắc và phân phối tất cả các công cụ mới để kết nối và cộng tác. Hiện giờ cuộc cách mạng thông tin sắp "khởi động" khi tất cả những sự bổ sung lẫn nhau giữa các công cụ cộng tác đó bắt đầu hội tụ.

Carly Fiorina, cựu CEO của Hewlett–Packard là một trong số những người đầu tiên gọi giây phút này bằng tên thật của nó, năm 2004 bà đã tuyên bố trong bài diễn thuyết trước công chúng của mình rằng sự bùng nổ và phá sản dot-com đã chỉ “là sự kết thúc của phần đầu”.

25 năm vừa qua trong công nghệ, Fiorina nói, mới chỉ là “hoạt động khởi động” mà thôi. Bây giờ chúng ta đang tiến vào sự kiện chính, bà nói, “và với sự kiện chính đó, tôi muốn nói đến một kỷ nguyên trong đó công nghệ thực sự biến đổi mọi khía cạnh của kinh doanh, của chính phủ, của xã hội, của cuộc sống.”

(Trích "It’s a Flat World, After All" của Thomas L. Friedman)

Thế giới Phẳng

Đó là tên chuyển nghĩa tiếng Việt của cuốn sách có tên "It’s a Flat World, After All", của Thomas L. Friedman (tác giả "Chiếc xe Lexus và cây ô liu" nổi tiếng), do The New York Times phát hành, mà cả GS.TS Nguyễn Quang A, Trưởng Khoa CNTT - ĐH Sư phạm Hà Nội và ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Phần mềm và Truyền thông VASC, đều nhắc đến trước sinh viên trong chương trình Hội thảo.

Nói một cách chính xác, bài tham luận có tên Kỷ nguyên Internet thế hệ mới của GS. Quang A bước ra từ "Thế giới Phẳng" khi ông đưa ra những dẫn dụ và khái niệm cốt yếu nhất từ đây, đã khiến sinh viên "nức lòng".

"Ngày nay, thứ có ảnh hưởng sâu sắc nhất đối với tôi đó là sự thực rằng một đứa trẻ 14 tuổi ở Rumania, Bangalore, LB Nga hay Việt Nam đều có tất cả thông tin, tất cả các công cụ, và tất cả những phần mềm dễ kiếm để ứng dụng tri thức bằng bất cứ cách nào chúng muốn”, Marc Andreesen, một đồng sáng lập của hãng Netscape, người sáng tạo ra trình duyệt Internet thương mại đầu tiên, đã nói điều đó.

Câu nói trên được dẫn lại trong "Thế giới Phẳng" và GS. Nguyễn Quang A cũng có chung suy nghĩ này khi bắt đầu bài tham luận bằng việc đưa ra ba sự kiện điển hình đã khiến thế giới trở nên phẳng như thế nào. Đó là 9/11/1989 - ngày bức tường Berlin sụp đổ, cho phép chúng ta nghĩ đến thế giới như một không gian duy nhất; 9/8/1995 - ngày Netscape niêm yết trên thị trường chứng khoán, kết nối người với người và trào lưu "Workflow" - cho phép kết nối các ứng dụng với các ứng dụng sao cho người dân ở khắp nơi trên thế giới có thể làm việc cùng nhau trong thao tác và nhào nặn từ ngữ, dữ liệu và hình ảnh trên máy tính như chưa từng có từ trước đến nay.

Thêm sáu yếu tố làm phẳng nữa mà GS. Quang A kể ra, đó là: “outsourcing” (thuê ngoài), "offshoring" (ngoại biên), "open-sourcing" (ngồn mở), "insourcing" (thuê làm bên trong), "supply-chaining" (xâu chuỗi cung) và "informing" (cấp tin).

Và như thế, "ba cái làm phẳng đầu tiên đã tạo nên một nền mới cho sự cộng tác, và sáu cái tiếp theo là những hình thức cộng tác mới thậm chí đã làm phẳng thế giới nhiều hơn".

Cái làm phẳng thứ 10 cũng được GS. Quang A đề cập đến, được gọi là các “steroid” - truy cập không dây và âm thanh trên giao thức Internet (Voice over Internet Protocol - VoIP).

GS. Nguyễn Quang A đã mở ra trước các bạn trẻ về thế giới mạng toàn cầu đầy mê hoặc và cũng nhiều thách thức. Và theo GS, "nếu chúng ta không chạy nhanh thì điều chúng ta muốn làm sẽ thuộc về người khác. Họ đã sẵn sàng, và không còn thời gian để lãng phí nữa". "Trong một thế giới phẳng thì mọi người đều trở thành công dân toàn cầu. Hãy cạnh tranh với châu Phi, với Hồng Kông, với Singapore và với chính chúng ta. Với ước mơ - tưởng tượng - hành động, học-làm và làm-học, các bạn trẻ có thể làm được mọi thứ nếu các bạn muốn điều đó", GS, Quang A kết luận những điều nhiệt huyết, và đã làm hâm nóng hội trường.

"Ngồi ở Việt Nam, nghĩ ra toàn cầu"

Giám đốc Công ty VASC Nguyễn Anh Tuấn

Tổng Biên tập VietNamNet Nguyễn Anh Tuấn đã nói đến điều đó khi đến với sinh viên bằng những câu chuyện kể. Những chuyện được đặt một cái tên chung là "Xu thế dịch vụ Internet tại Việt Nam" nhưng lại thể hiện ba điểm cốt lõi: Làm thế nào để các bạn sinh viên ĐH ở đây, ở Việt Nam mà như ở Harvard hay MIT?, sự hội tụ Internet và công nghệ di động không chỉ là xu thế ở Việt Nam, cuối cùng, đó là tinh thần "học, học nữa, học mãi" để trở thành chủ nhân của đất nước, tự quyết định vận mệnh, có tiếng nói của một "công dân toàn cầu".

Ông Nguyễn Anh Tuấn kể câu chuyện về đào tạo: "Ở ĐH Harvard có khác một chút so với chúng ta. Khi sinh viên tốt nghiệp, kết thúc một giai đoạn học tập, thực sự bước vào một giai đoạn mới, tấm bằng chỉ có giá trị như một vật lưu niệm - có khi chúng tôi đùa, đó là món đồ trang sức đẹp. Thực tế giá trị con người, kiến thức thực chất mới là điều quan trọng hơn. Với việc khai thác sức mạnh của Internet, các thế hệ học viên của trường Harvard tiến hành học online. Thông qua đó, họ tiếp tục gặp gỡ, chia sẻ thông tin, chia sẻ cuộc sống với bạn bè, thầy cũ, và tiếp tục học, kiếm tìm cái mới
".

Trước sinh viên, ông Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ: "Trong học tập cũng như trong công việc, các bạn nên thay đổi tư duy, tranh thủ sự phát triển của công nghệ và Internet để tranh thủ vận hội, ngồi ở Việt Nam có thể nghĩ ra toàn cầu, vưới tầm nhìn xuyên suốt, vượt qua sức ép".

Về hội tụ giữa Internet và di động, ông Nguyễn Anh Tuấn nói: Internet không chỉ ở trên máy tính nữa mà đã bước vào điện thoại di động. Điều đó càng khẳng định sự lan tỏa của Internet, đó là kho thông tin, kiến thức vô giá, đem lại những giá trị không thể lường trước được đối với mỗi người, mỗi đất nước trong thời toàn cầu hóa. "Như thế, tri thức nhân loại và cơ hội bình đẳng đang phơi bày trước mắt chúng ta, và các bạn trẻ chính là những người làm chủ!".

"Bức tường sụp xuống khi các cửa sổ (Windows) đi lên!"

Hàng trăm câu hỏi đã được gửi đến các diễn giả trong cuộc giao lưu

Đó là một góc nhìn "mở ra" qua sự kiện bức tường Berlin sụp đổ. Bước phát triển đột phá của hệ điều hành Windows 3.0 của Microsoft ra mắt vào thời điểm đó đã giúp làm phẳng "sân chơi", tạo ra một giao diện máy tính toàn cầu. Ý tưởng đó có tại cuốn Thế giới Phẳng và đó cũng là một nhìn nhận có tính chất "thay đổi tư duy".

Chính con người đã giúp Internet bước đến "kỷ nguyên mới" và giúp các "cửa sổ" ngày càng đi lên (Windows/286, Windows/386, Windowws 3.0, Windows 3.1, Win NT, Win 95, Win 98, 2000 rồi Server 2003, XP, Vista...). Nhiều nước cũng đã từ đó đi lên thì sinh viên, giới trẻ chính là những người góp phần quyết định Việt Nam sẽ ở đâu trên bản đồ thế giới.

Sự cạnh tranh mang tính toàn cầu đã diễn ra ngay trên không gian mạng. TS. Hà Quang Thụy, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Công nghệ trong bài phát biểu của mình đã nhắc đến yếu tố "bản địa hóa và toàn cầu hóa", khơi lên suy nghĩ về "bản sắc Internet của Việt Nam" trong sinh viên.

TS Hà Quang Thụy nói: "Khi Internet xâm nhập khắp mọi nơi thì cũng là nổi lên thách thức về bản địa hóa và toàn cầu hóa với bất cứ quốc gia nào. Tôi vừa đọc bài báo về Google "nuốt chửng" công cụ tìm kiếm Việt Nam. Thực tế đó đã chứng minh thách thức của sự cạnh tranh ngay trên không gian mạng toàn cầu. Các DN Việt Nam phải đối mặt với rất nhiều đối thủ khổng lồ và sẽ bị khuất phục, đè bẹp nếu không có bản sắc riêng, hướng đi riêng".

Trong cuộc Hội thảo, Giám đốc kinh doanh "Công ty 8x" PeaceSoft Nguyễn Tuấn Minh - đại diện cho một doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong "Kỷ nguyên Internet thế hệ mới" giới thiệu trước SV về mô hình ChợĐiệnTử.com. Đó là một không gian dành cho thương mại điện tử ứng dụng nhiều công nghệ mới. Với những tiện ích của Chợ Điện Tử, nhiều người hy vọng tương lai nó trở thành "eBay của Việt Nam", đủ sức cạnh tranh trên thế giới mạng vốn đang trở nên ngày càng phẳng hơn... ChợĐiệnTử.com nói chung và PeaceSoft nói riêng đã được IDG Ventures Vietnam "đầu tư mạo hiểm" - điều chỉ có khi CNTT và mạng toàn cầu bùng nổ.

Nói như ông Nguyễn Xuân Phong - Giám đốc Hanoi-Aptech: "5 đến 10 năm tới, Internet sẽ còn thay đổi đáng kể cuộc sống của chúng ta. Internet kỷ nguyên mới sẽ tạo ra một nền kinh tế, một nền văn hóa không biên giới, đặt ra trước mắt mọi cá nhân, mọi dân tộc những cơ hội và thách thức to lớn và hết sức bình đẳng".

Tạm gác lại những công nghệ mới hứa hẹn xuất hiện trong kỷ nguyên Internet thế hệ mới là những gì, nói về mạng toàn cầu của ngày hôm nay và tương lai, các diễn giả khép lại và chính các bạn sinh viên cũng đề cập đến một góc nhìn bay bổng mà thực tế: "với Internet, sáng ta ngủ dậy, cả thế giới ở quanh mình".

Bùi Dũng

Chủ Nhật, 04/12/2005 17:27
31 👨 162
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp