Hiện nay, những chiếc máy tính để bàn với kích thước cồng kềnh ngày càng lùi dần vào quá khứ. Máy bàn đang có xu hướng thu nhỏ dần về kích thước, trở thành những chiếc máy tính siêu nhỏ, có tính di động cao.
Đi đầu trong xu thế này có thể kể tới chiếc máy tính có tên gọi là Raspberry Pi (Pi cũng rất rẻ, giá chỉ 35USD, tương đương 735 ngàn đồng). Chiếc máy tính này có kích thước vô cùng nhỏ, chỉ bằng một chiếc thẻ tín dụng, nhưng có đầy đủ các kết nối thông dụng và có sức mạnh xử lý tất cả các công việc tính toán. Đó là lúc AMD và Intel vào cuộc.
Hồi tháng Năm năm ngoái, Intel đã đưa ra một khái niệm Next Unit of Computing (NUC), với tính khả thi cao và nhiều ứng dụng trong thực tế, được tập trung hướng đến các rạp hát hoặc trung tâm giải trí tại gia. Trong khi đó, đối tác sản xuất chính của AMD, Sapphire Technology, cũng giới thiệu một sản phẩm tương tự có tên Edge VS8. Liệu trong cuộc chiến máy tính nhỏ nhất giữa 2 ông lớn này, ai là kẻ thắng cuộc, chúng ta hãy cùng thử tìm hiểu.
Next Unit of Computing của Intel
NUC là định hướng về những chiếc máy tính siêu nhỏ của Intel. Sản phẩm có màu sắc bắt mắt, kích thước tổng thể chỉ 11,6 x 11,2cm (dài x rộng) với đầy đủ bo mạch chủ và hệ thống làm mát. Ba model đầu tiên của Intel NUC có tên mã lần lượt là DC3217IYE, DCCP847DYE và DC3217BY. DC3217BY có cấu hình chi tiết: bộ xử lý Core i3 3217-U, sở hữu một cổng HDMI và một cổng Thunderbolt, có mức giá 323USD tương đương 6 triệu 800 nghìn đồng. Còn với DC3217IYE có cùng CPU với DC3217BY và được trang bị hai cổng HDMI, với mức giá 293USD tương đương 6 triệu 150 nghìn đồng).
Điểm khác biệt chính DC3217IYE và DC3217BY là việc một bên sử dụng chuẩn kết nối GigE và một bên sử dụng chuẩn kết nối Thunderbolt, trong đó phiên bản không có Thunderbolt sẽ được trang bị 2 cổng HDMI thay vì 1 như phiên bản kia. Đối với DCCP847DYE, được trang bị bộ vi xử lý Celeron 847 và cổng HDMI kép, với mức giá 172USD tương đương 3 triệu 600 nghìn đồng. Độ phân giải video tối đa thông qua cổng HDMI là 1920 x 1200 pixels cho cả ba mô hình.
Các mức giá trên của cả ba model NUC của Intel chưa bao gồm bộ nhớ RAM và ổ đĩa thể rắn SSD để phục vụ cho việc lưu trữ. Do đó, bạn cần phải trả thêm một chi phí từ khoảng 100USD đến 200USD cho một ổ mSATA SSD và RAM DDR3 SODIMM (RAM laptop).
Tính năng có cả trên cả ba mô hình NUC bao gồm mini PCIe (half-height, full-height), hai cổng USB, cổng Gigabit Ethernet và một ổ cắm khóa Kensington. Không hỗ trợ USB 3.0 hoặc eSATA, mặc dù có chipset di động QS77 Express trên cả ba model.
Nhìn chung, NUC có thiết kế nhỏ gọn nhưng chưa linh hoạt, giá cả tương đối cao, bạn phải trả thêm nhiều chi phí phụ khác. Điểm hạn chế là chưa có bộ nhớ trong, chưa có cổng USB 3.0, chưa có khả năng cấp đồ họa.
Sapphire Edge VS8 của AMD
Từ tên gọi có thể gây ra sự nhầm lẫn với một bộ định tuyến không dây, nó có chiều cao 19.8cm, bề ngang 18.3cm, dày 3.2cm. Không giống như Intel, Sapphire có đầy đủ chức năng cần thiết của một máy tính như bộ nhớ trong 4GB, ổ cứng 500GB, chuẩn gắn kết công nghiệp VESA, có một dây nguồn, cổng HDMI, cáp quang S/PDIF, và một bộ chuyển đổi HDMI-to-DVI. Sapphire có mức giá 429USD (khoảng 9 triệu đồng) cho một gói sản phẩm. Tuy nhiên, bạn cũng có thể dễ dàng thiết lập một bộ Intel Core i3 NUC với bộ nhớ 4GB và ổ SSD có dung lượng nhỏ hơn ở cùng mức giá này.
Edge VS8 được tích hợp bộ xử lý đồ họa rời Radeon HD 7600G cho khả năng xử lý tốt hơn so với HD 4000 của NUC, nhưng chỉ ở độ phân giải 1024 x 768 pixel hoặc thấp hơn. Tuy nhiên, với ổ cứng 500GB có tốc độ vòng quay 5400 vòng/phút làm cho Edge VS8 trở nên chậm chạp. Sẽ tuyệt vời hơn nếu AMD cung cấp thêm tùy chọn ổ đĩa thể rắn SSD.
Về số lượng cổng, Sapphire hoàn toàn đánh bại NUC, với một cổng Ethernet, hai cổng USB 3.0, bốn cổng USB 2.0, đầu đọc thẻ nhớ SD, S/PDIF, HDMI (với độ phân giải tối đa là 1920 x 1200 pixels) và một cổng DisplayPort (độ phân giải tối đa 2560 x 1600).
So sánh
- Hiệu suất: Trong khi NUC tỏ ra vượt trội với các hoạt động hàng ngày thì Sapphire có khả năng quản lý khung hình tốt hơn đối với các trò chơi. Kết quả: NUC chiến thắng về hiệu suất, trừ khi bạn chơi game.
- Lưu trữ: Intel hi vọng bạn sẽ cung cấp cho NUC một ổ mSATA SSD, để có tốc độ nhanh hơn ổ đĩa cứng. Ổ đĩa cứng của Edge VS8 hoạt động khá chậm nhưng lại cung cấp công suất làm việc lớn hơn. Nên trên phương diện lưu trữ thì Intel và AMD hòa nhau.
- Cổng kết nối: Điểm hạn chế của NUC là thiếu cổng eSATA, USB 3.0, không có cổng âm thanh nào khác ngoài HDMI. Edge VS8 có đầy đủ các cổng mong muốn, bao gồm cả DisplayPort. Điều này chứng tỏ Edge VS8 rất lợi thế trên phương diện này.
- Hiển thị: Cả Edge VS8 và các model NUC đều hỗ trợ xuất hình ảnh ra màn hình độ phân giải 1920 x 1200. Phiên bản có cổng DisplayPort của NUC và Edge VS8 đều hỗ trợ xuất hình ảnh ra màn hình 2560 x 1600, thêm một ván "hòa" nữa giữa 2 đối thủ.
- Điện năng tiêu thụ: Intel tuyên bố tiêu thụ điện năng là 17W, nhưng thực tế nó còn ít hơn ở một số thử nghiệm. Trong khi đó, Sapphire tiêu thụ 19W điện năng. Sự chênh lệch là không nhiều nhưng trên phương diện này thì Intel đã chiến thắng.
- Giá cả: Tùy thuộc vào bộ nhớ tăng thêm và mSATA SSD mà bạn sử dụng, NUC có thể rẻ hơn hoặc đắt hơn so với Edge VS8. Các mức giá trên chưa bao gồm hệ điều hành Windows, trong khi đó Sapphire cung cấp sẵn hệ điều hành DOS miễn phí.