Tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc đã vượt lên trước hai đối thủ sừng sỏ Nokia và Research In Motion (RIM) để giành vị trí thứ ba trong cuộc đua doanh số trên thị trường điện thoại thông minh (smartphone) toàn cầu.
Tuy nhiên, theo báo Wall Street Journal, Huawei vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức trong mục tiêu đạt tới một vị trí lớn hơn trên thị trường viễn thông của thế giới.
Một sản phẩm smartphone của Huawei
Có trụ sở tại Thâm Quyến, nhà sản xuất thiết bị viễn thông Huawei đã tấn công mạnh vào thị trường điện tử tiêu dùng trong mấy năm gần đây. Dữ liệu mới nhất từ hãng nghiên cứu thị trường International Data Corp (IDC) cho thấy, trong quý 4/2012, Huawei đạt mức doanh số 10,8 triệu smartphone, xếp thứ ba thế giới. Thị phần của Huawei trên thị trường smartphone toàn cầu đạt 5%.
Trong khi đó, những “gã khổng lồ” đang bé đi của ngành điện thoại di động là Nokia, HTC và RIM đồng loạt rớt khỏi top 5 nhà sản xuất smartphone lớn nhất về doanh số.
Giới phân tích cho rằng, nhu cầu đang tăng mạnh trên thế giới đối với các sản phẩm smartphone giá rẻ là cơ sở cho thành công của Huawei. Vấn đề nằm ở chỗ, không biết liệu Huawei có thể xây dựng được lòng trung thành của người tiêu dùng đối với thương hiệu của hãng hay không, khi mà cho tới nay, hãng này vẫn cạnh tranh chủ yếu bằng giá cả.
Anh John Gonzalez, một người quản lý ba cửa hàng điện thoại bình dân ở Los Angeles, Mỹ, cho biết, khoảng một nửa số smartphone mà anh bán được trong năm qua là hàng Huawei. Tuy nhiên, trong tháng 12 vừa qua, doanh số điện thoại Huawei đã giảm mạnh do sự xuất hiện của những chiếc điện thoại Coolpad giá còn mềm hơn của một công ty Trung Quốc khác là China Wireless Technology.
“Giá hàng Huawei rất hấp dẫn, và điều này giúp ích nhiều cho họ”, anh Gonzalez nói. Tuy nhiên, anh cho biết, hầu như không có khách hàng nào nhận diện được thương hiệu Huawei, thậm chí có người còn đọc cái tên này thành “Hawaii”, một bang của Mỹ.
Cũng theo dữ liệu gần nhất từ IDC, trên thị trường điện thoại di động nói chung ở Mỹ, thị phần của Huawei trong quý 3/2012 đã giảm còn 2,9%, từ mức 3,5% cùng kỳ năm 2011.
Một nguồn tin thân cận với Huawei cho biết, các thiết bị cấp cao của Huawei đã bị trì hoãn vào thị trường Mỹ trong năm 2012, góp phần dẫn tới sự suy giảm thị phần này.
Ngoài ra, Huawei cũng đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các sản phẩm điện thoại giá rẻ của Samsung và các hãng khác. Chưa kể, các nhà chức trách Mỹ giữ mối lo ngại rằng, Huawei có thể gây ra những đe dọa về mặt an ninh, chủ yếu ở lĩnh vực mà hãng này bán thiết bị viễn thông cho các nhà mạng.
Kể từ khi nhảy vào thị trường tiêu dùng, Huawei đã đẩy mạnh quan hệ đối tác với các nhà mạng di động đang có nhu cầu khách hàng lớn đối với các sản phẩm điện thoại giá rẻ. Thị trường Trung Quốc chỉ chiếm trên một nửa doanh số smartphone của Huawei trong quý 3/2012. IDC cho biết, một số thị trường smartphone tăng trưởng mạnh nhất của Huawei trong năm qua nằm ở Mỹ Latin và Đông Âu.
Dù Huawei đã nỗ lực để di chuyển lên những nấc cao hơn của thị trường, hầu hết các sản phẩm của hãng vẫn nhằm vào đối tượng khách hàng xem trọng vấn đề giá rẻ.
Số liệu của IDC cho thấy, tính đến quý 4 vừa qua, Samsung là nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới về doanh số, với 63,7 triệu chiếc smartphone được bán, chiếm thị phần 29% trên toàn cầu. Apple đứng ở vị trí thứ hai với mức doanh số 47,8 triệu chiếc smartphone và thị phần 22%.
Đứng ở vị trí thứ ba và thứ tư lần lượt là Huawei và Sony. Hãng điện tử Nhật đạt mức doanh số 9,8 triệu smartphone trong quý và thị phần 4,5%. Một hãng Trung Quốc khác là ZTE đứng ở vị trí thứ 5 với mức doanh số 9,5 triệu chiếc và thị phần 4,3%.