Cuối cùng thì thương vụ tốn nhiều giấy mực "Microhoo" đã đổ vỡ và không thể trở thành hiện thực. Tuy nhiên trên thực tế ai là người chiến thắng và phe nào là kẻ bại trận trong cuộc chiến "cân não" này?
1. Kẻ chiến thắng lớn nhất: Steve Ballmer và Microsoft
Thật lòng mà nói, gã khổng lồ phần mềm cũng đang phải đối mặt với hàng tá khó khăn. Đầu tiên là định kiến của cả làng công nghệ về sự chậm chạp, già cỗi của hãng. Kế đến là việc Chủ tịch Bill Gates sẽ chính thức nghỉ hưu kể từ tháng 6 tới, nhường chỗ cho tân Kiến trúc sư trưởng Ray Ozzie. Rồi thì sự lúng túng và bối rối của Steve Ballmer trước xu hướng "điện toán đám mây", hay còn gọi là dịch vụ Web.
Nên đón nhận hay nên phòng thủ, và nếu đón nhận (hoặc phòng thủ) thì nên dừng ở mức độ nào là hợp lý - ấy là những câu hỏi không dễ trả lời.
Ngày 1/2/2008, khi Microsoft lần đầu công khai ngỏ lời với Yahoo, nhiều nhà phân tích đã cho rằng Steve Ballmer chỉ "ôm rơm nặng bụng", và Yahoo chẳng đáng đến nửa mức giá mà Microsoft đưa ra.
Doanh thu, lợi nhuận và thị phần của Yahoo đã liên tục suy giảm trong vòng 2 năm trở lại đây, còn năm 2008 thì được chính Giám đốc điều hành Jerry Yang dự báo là sẽ "có nhiều bão tố và thách thức".
Đáng kể nhất, Yahoo vừa phải sa thải tới 1000 nhân viên, tương đương 7% nhân lực trên toàn thế giới của hãng.
Đúng là Microsoft rất muốn mua Yahoo. Đúng là Steve Ballmer rất "có lòng" với Jerry Yang. Nhưng sự kiên nhẫn cũng chỉ có giới hạn. Và cái đầu tỉnh không cho phép Ballmer nhảy vào một cuộc chiến giành quyền kiểm soát nghiệt ngã chỉ để sở hữu Yahoo bằng mọi giá.
Với việc quay lưng lại với Yahoo và hiên ngang bỏ đi, Ballmer đã tiết kiệm được hàng chục tỷ USD. Với số tiền đó, Microsoft dư sức mua tới vài chục công ty Web 2.0 mới nổi, khí thế hừng hực và tràn đầy sức xuân sáng tạo.
Tại sao lại cứ phải đâm đầu vào Yahoo, một công ty chỉ còn "cái tên" là tài sản đáng giá nhất cơ chứ?
Thời gian qua, rất nhiều nhân viên tài năng của Yahoo đã dứt áo ra đi, do lo ngại về một tương lai bấp bênh. Nếu ban giám đốc Yahoo cứ dằng dai, lần lữa mãi thế này, thì kể cả Microsoft có thâu tóm Yahoo thành công, cái hãng nhận được cuối cùng cũng chỉ là những dãy bàn trống trơn, không người ngồi mà thôi.
Nào đã hết, chi phí để sáp nhập, tích hợp hai tập đoàn tầm cỡ như Microsoft và Yahoo chắc chắn phải cao như núi, trong khi nền văn hóa của họ lại quá khác nhau.
Thị trường cũng chẳng có cớ gì để trách Ballmer và Microsoft cả. Họ đã làm mọi thứ để thuyết phục Yahoo "bán mình", từ ve vãn cho đến dọa nạt.
Thậm chí Ballmer cũng đã nhượng bộ hết nước khi chấp nhận nâng giá bỏ thầu lên 33 USD/cổ phiếu. Ai dám nói gã khổng lồ phần mềm không "rộng rãi và hào phóng" trong thương vụ này?
Kẻ thất bại nặng nề nhất: Jerry Yang và Yahoo
Giám đốc điều hành Steve Ballmer của Microsoft: kẻ chiến thắng lớn nhất. Nguồn: AP |
Hiện tại, giá giao dịch của cổ phiếu Yahoo đang giữ trên ngưỡng 28 USD/cổ phiếu. Tuy nhiên, khi "giá đỡ" duy nhất (là thịnh tình của Microsoft) không còn, liệu cổ phiếu Yahoo sẽ diễn biến thế nào và trôi nổi về đâu?
Trong nỗ lực cuối cùng, Ballmer đã đồng ý nâng giá bỏ thầu lên 33 USD/cổ phiếu, tức là bổ sung thêm 5 tỷ USD nữa cho giá trị thương vụ. Thế nhưng Ban giám đốc Yahoo vẫn một mực đòi hơn.
Chẳng ai rõ điều gì đã làm nên niềm tin mãnh liệt đến thế cho Jerry Yang và các đồng sự của ông ta.
Nhiệm vụ lúc này của Yang là phải thuyết phục người ngoài, cụ thể là các cổ đông và giới đầu tư rằng: ông ta có đủ lý do chính đáng để khước từ Microsoft, chứ không nuôi nấng "tư thù cá nhân" nào với Ballmer hoặc Microsoft.
Có thể Yang nghĩ bắt tay với Rupert Murdoch, AOL hoặc liên minh với Google sẽ mang đến lợi ích lớn hơn cho Yahoo chăng? Khó mà đoán được cái gì đang diễn ra trong đầu Jerry Yang lúc này.
Tháng trước, Yahoo từng dự đoán rằng đến cuối năm 2009, lợi nhuận sẽ trở lại và triển vọng của hãng là cực kỳ sáng sủa.
Nhưng xin nhớ rằng, Yang không còn nhiều thời gian đến thế. Cuộc họp cổ đông thường niên của Yahoo sẽ diễn ra vào mùa hè này, và ngay cả Yang cũng không dám chắc mình có yên ổn giữ ghế được hay không.
Thất bại "vừa vừa": Eric Schmidt và Google
Đạo lý thật đơn giản: Bất cứ thông tin nào làm thương tổn tới Microsoft đều làm lợi cho Google, và ngược lại.
Đa số dư luận tin rằng liên minh Micro-hoo sẽ là mối đe dọa khổng lồ đến tương lai của Google, nhưng CNET thì khác. Trên lý thuyết, sự sáp nhập giữa Microsoft với Yahoo là tất yếu, hợp logic và hoàn toàn khả thi.
Tuy nhiên trong thực tiễn, liên minh này luôn tiềm ẩn nguy cơ xung đột văn hóa sâu sắc, thậm chí là vỡ vụn. Nếu như Yahoo! hướng tới sự tự do và vui nhộn thì Microsoft lại chỉn chu đúng kiểu công sở nhà nước.
Lãnh đạo hai bên sẽ phải mất tới hàng tháng để nghĩ cách làm cho nhân viên cấp dưới hòa hợp với nhau. Trong lúc ấy, Google sẽ tranh thủ bứt phá và giành giật thị phần, khách hàng, người dùng, giới quảng cáo...
Tất nhiên là cả nhân viên của Yahoo nữa, nếu như họ tự nguyện nộp đơn xin đầu quân cho gã khổng lồ tìm kiếm.