Hai hãng công nghệ lớn nhất Trung Quốc đã châm ngòi cho cuộc chiến pháp lý tại Châu Âu về vấn đề bằng sáng chế điện thoại di động. Đây được coi là cuộc xung đột công khai hiếm hoi giữa tên tuổi lớn tại quốc gia này.
Cuộc chiến giữa Huawei Technologies và ZTE là một thách thức lớn đối với các nhà cầm quyền Trung quốc - những người quản lý tham vọng của các doanh nghiệp Trung Quốc khi họ cố gắng tạo lập sự cạnh tranh toàn cầu trong lĩnh vực viễn thông, năng lượng,…Đây là vụ việc hy hữu đầu tiên giữa hai công ty lớn của Trung Quốc, họ thường hòa giải những tranh chấp cá nhân thay vì kiện tụng.
Theo David Wolf, một chuyên gia tư vấn tiếp thị công nghệ ở Bắc Kinh, “Trung Quốc có những “con rồng” quốc gia nhưng giờ họ đang cố gắng giết lẫn nhau”.
Trung tâm của cuộc tranh cãi này là xoay quanh công nghệ di động thế hệ thứ 4. Các công ty đang phát triển công nghệ này cho biết sẽ cung cấp mạng không dây, các kết nối ổn định hơn và những cải tiến khác. Công nghệ này đang được sử dụng hạn chế ở Mỹ và đang được thử nghiệm ở các quốc gia khác.
Vì vậy, việc kiểm soát những bằng sáng chế quan trọng này có thể giúp quyết định xem các nhà cung cấp thiết bị nào được đặt vào vị trí gặt hái hàng tỷ USD doanh số bán hàng, khi chúng được triển khai ra các thị trường khác.
Huawei và ZTE là hai nhà chế tạo thiết bị mạng, phần cốt lõi của các hệ thống điện thoại. Họ có doanh thu lên đến hàng tỷ USD mỗi năm ở Trung Quốc, Châu Phi và Mỹ Latinh. Cả hai đều tự nhận thấy họ như những người dẫn đầu tiềm năng về 4G tiềm năng toàn cầu. Điều này phù hợp với hy vọng của đường lối của Trung Quốc về việc chuyển biến quốc gia từ “nhà máy giá rẻ” thành “người sáng tạo” công nghệ sinh lời.
Huawei đã công bố tuần trước rằng, hãng đã kiện ZTE ở Pháp, Đức và Hungary vì vi phạm bằng sáng chế về thẻ dữ liệu và sử dụng không đúng cách nhãn hiệu do Huawei đăng ký trên một số sản phẩm của họ. ZTE đã bác bỏ khẳng định đó và cho biết, hãng sẽ yêu cầu tòa án Pháp và các nhà quản lý ở Trung Quốc hủy bỏ hiệu lực bằng sáng chế của Huawei.
Huawei và ZTE là hai công ty trong lan sóng các công ty đa quốc gia non trẻ đầu tiên của Trung Quốc. Họ cạnh tranh với Nokia-Siemens Networks, Ericsson và Alcatel-Lucent và có thị phần nhỏ nhưng đang phát triển mạnh ở Mỹ và Châu Âu.
Vụ tranh chấp này xảy ra vào thời điểm đang dấy lên nhiều phàn nàn của các tổ chức doanh nghiệp quốc tế về chính sách công nghiệp của Bắc Kinh. Họ cho rằng, Trung Quốc hỗ trợ không đúng cách các công ty được ưu ái bằng cách hạn chế tiếp cận thị trường và cung cấp cho vay lãi suất thấp cùng các hỗ trợ khác.