Groupon "chê" 6 tỉ USD của Google

Groupon, dịch vụ chia sẻ những phiếu khuyến mãi trực tuyến đã "ngoảnh mặt làm ngơ" trước lời đề nghị trị giá 6 tỉ USD (tương đương 120.000 tỉ đồng) từ Google khi "gã khổng lồ" ngỏ ý muốn thâu tóm Groupon.com.


Giao diện website Groupon.com với những thông tin chương trình khuyến mãi trong ngày.
(Ảnh: Groupon).

Ở lần gặp gỡ đầu tiên, Google đã đưa ra mức giá từ 3,5 - 4 tỉ USD để "gạ gẫm" website mới tròn 2 năm tuổi, Groupon.com nhưng không đạt được sự đồng thuận. Chưa chịu thua, Google tiếp tục những gợi ý để có được Groupon. So với mức giá 3,2 tỉ USD mà Google chi ra để thâu tóm công ty theo dõi quảng cáo trực tuyến DoubleClick vào năm 2007 thì mức chi phí gợi ý lần thứ hai cho Groupon gần như gấp đôi, 6 tỉ USD bao gồm 5,3 tỉ USD tiền mặt và thêm 700 triệu USD theo kết quả hoạt động sau khi mua lại. Tuy nhiên, vẫn không có được cái gật đầu từ Groupon.

Được sáng lập bởi Andrew Mason vào tháng 11-2008, có trụ sở tại Chicago (Mỹ), hiện Groupon đã có hơn 33 triệu người dùng ở 35 quốc gia.

Groupon chuyên cung cấp thông tin khuyến mãi giảm giá cho nhiều mặt hàng lẫn dịch vụ ở nhiều lĩnh vực từ ăn uống, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí từ hơn 300 thị trường trên toàn cầu như giá phòng khách sạn, xe cộ, dịch vụ chăm sóc sức khỏe...

Người bán trên Groupon có thể là nhà bán lẻ hay doanh nghiệp sẽ đưa ra các chương trình khuyến mãi giảm giá và người mua là các thành viên đăng ký sử dụng sẽ nhận thông tin. Người bán có khách hàng, người mua được hưởng lợi từ với mức giá rẻ.

Những thông tin giảm giá từ Groupon không có ở bất cứ đâu. Đó là một trong những ưu điểm mà Groupon thu hút khá nhiều thành viên một cách nhanh chóng.
Bộ ba CEO (giám đốc điều hành) của Groupon bao gồm Andrew Mason, Eric Lefkofsky Brad Keywell đã có thể trở thành những tỉ phú trẻ bằng cách đặt bút ký kết với Google nhưng họ đã từ chối. Andrew Mason, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành và là cổ đông lớn nhất tại Groupon, đã rất tự tin vào con đường phát triển độc lập thay vì quy thuận dưới trướng của Google.

Vì sao Google "phải có" Groupon?

Google đang rất tập trung vào các dữ liệu thương mại điện tử nội địa gắn liền với tài khoản Google, phát triển công nghệ quảng cáo địa phương hóa. Ta có thể hiểu đơn giản qua một ví dụ khi bạn đi mua sắm ở một khu trung tâm, Google sẽ cung cấp các phiếu khuyến mãi còn hiệu lực của những cửa hàng ở gần xung quanh đó trong phần tìm kiếm. Hoặc khi lướt web chọn sản phẩm để mua, Google cũng sẽ có những gợi ý phiếu khuyến mãi là các mã số tương ứng cho website đó để bạn có thể mua với giá rẻ. Do đó, "ông lớn" rất muốn có Groupon trong bộ sưu tập của mình.

Một lý do khác để có Groupon là hiện dịch vụ này đang sở hữu đến hơn 35 triệu thành viên đăng ký sử dụng và còn tiếp tục tăng nhanh. Hơn nữa, một ưu thế cho Groupon là không có nhiều đối thủ lớn mạnh trong lĩnh vực cung cấp thông tin khuyến mãi nội địa nhưng lại có rất nhiều công ty lớn như Google muốn mua lại các công ty cung cấp dịch vụ này.

Ngoài ra, Groupon hiện đang thử nghiệm một tính năng mới cho phép các doanh nghiệp dễ dàng tạo những chương trình khuyến mãi thông qua một dịch vụ trực tuyến có tên Groupon Stores. Người dùng Groupon còn có thể theo dõi những chương trình khuyến mãi mới từ các nhãn hàng hay doanh nghiệp ưa thích qua tính năng Deal Feed hiện đang được thử nghiệm. Như trước đây, người dùng chỉ có thể theo dõi thông tin này bằng cách đăng ký dõi theo tài khoản Twitter của nhãn hàng ưa thích.


Thông tin quảng bá chương trình khuyến mãi của doanh nghiệp từ Groupon Stores. (Ảnh: Groupon).

Trong tháng 11-2010, Groupon đã bắt đầu mở rộng sang thị trường Châu Á bằng việc thâu tóm nhiều website nhỏ hơn ở cùng lĩnh vực và chính thức có mặt ở Hong Kong, Singapore, Philippines và Đài Loan.

Groupon có "liều lĩnh và ngông cuồng"?

Theo hãng tin AP, nội bộ ban lãnh đạo Groupon bao gồm cả các nhà đầu tư đã phân chia làm hai nhóm có ý kiến đối lập sau khi có lời gợi ý trị giá "6 tỉ USD" từ Google.

Một bên vẫn cương quyết không bán Groupon vì mức doanh thu hằng năm đang ở đà tăng trưởng khá cao và hơn nữa, con số sẽ còn tăng vọt sau khi Groupon phát hành cổ phiếu lần đầu tiên (IPO) vào năm 2011. Nhóm này bao gồm các nhà đầu tư mới tham gia vào Groupon muốn tiền đầu tư sinh lãi vượt mức đề nghị hiện tại và đặc biệt là "những thành viên có tiếng nói quan trọng" là nhóm giám đốc điều hành như Andrew Mason. Tuy nhiên, bên còn lại bao gồm các nhà đầu tư từ lúc ban đầu thành lập Groupon vốn mong muốn tiền đầu tư sinh lời nhanh chóng bằng cách bán gọn cho Google.

Nhìn lại, câu chuyện Groupon hiện tại tương tự với câu chuyện của mạng xã hội Facebook vào 4 năm trước. Ai sẽ đoan chắc khi đó "ốc tiêu" Facebook sẽ lớn mạnh nhanh chóng, vượt hơn 500 triệu thành viên, đánh bại MySpace vốn đang rất mạnh mẽ trong thời gian ngắn. Mark Zuckerberg cũng đã trả lời "Không" với câu hỏi "Bán hay không bán?" từ các lời chào mời từ Yahoo, Microsoft hay Viacom... Hàng tỉ USD đã không làm chùn bước đi của cậu thanh niên 22 tuổi và giờ đây, Facebook được định giá 180 tỉ USD với tầm ảnh hưởng bao trùm cả thế giới mạng.

Vài công ty như Yahoo, OpenTable, Gilt Groupe, LivingSocial (vừa được Amazon đầu tư 175 triệu USD vào đầu tháng 12-2010), Yelp hay cả Facebook đã mở ra những dịch vụ tương tự Groupon nhưng không gây được ấn tượng gì đặc biệt. Nhiều hãng tin công bố doanh thu của Groupon đạt hơn 500 triệu USD trong năm nay nhưng theo số liệu mới nhất từ nguồn tin của Kara Swisher, cây bút chuyên về thông tin công nghệ cho Wall Street Journal, công bố trên All Thing Digitals thì mức doanh thu của Groupon lên tới 2 tỉ USD.

Thứ Hai, 06/12/2010 08:50
31 👨 581
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp