Cách đây chỉ chừng 1 năm, có nằm mơ cũng không ai dám nghĩ các nhân viên tài năng lại rủ nhau tháo chạy khỏi Google nhiều đến thế.
Tổng giám đốc Google, Eric Schmidt: “Thời cứ 3 người của Google có thể cho ra đời một sản phẩm đẳng cấp thế giới đã chấm dứt”. |
Mới đây, khi một vị giám đốc phụ trách sản phẩm thông báo với ban lãnh đạo hãng rằng ông sẽ xin nghỉ để đầu quân cho Facebook, ngay lập tức Google đề nghị một mức lương mới cao gấp 3 lần. Nhưng khi vị giám đốc này tuyên bố ông ra đi không phải vì tiền, Google lại đề nghị sẽ thăng chức, cho phép ông chuyển sang làm việc tại bất kỳ bộ phận nào trong hãng hay thậm chí là đứng ra thành lập một công ty riêng ngay trong lòng Google….
Nhưng ông vẫn nhất quyết cự tuyệt tất cả để dứt áo ra đi, trở thành nhân viên của hãng đối thủ đang nhăm nhe hạ bệ Google. Người ta hiểu rằng tình hình tại Google đã trở nên rất nghiêm trọng. “Google đã trở nên quá lớn và đang di chuyển một cách chậm chạp”, vị cựu giám đốc đề nghị giấu tên này nói, “Tại Facebook, tôi có thể nhìn thấy mọi việc được giải quyết một cách mau lẹ hơn Google rất nhiều”.
Cách đây 12 năm, Google khởi nghiệp từ một gara ô tô cũ kỹ và giờ đây họ đã là hãng công nghệ lớn nhất thung lũng Silicon và bá chủ thế giới trên rất nhiều lĩnh vực. Bí quyết thành công của Google là tập hợp được cho mình những kỹ sư giỏi nhất nhưng hiện nay, chính những kỹ sư này đang cảm thấy không thể tiếp tục chịu đựng sự “xơ cứng và trì trệ” trong phong cách làm việc tại đây. Họ lần lượt rút lui để đầu quân cho những công ty nhỏ hơn rất nhiều. Không chỉ có những kỹ sư cấp thấp, những tháng gần đây, Google còn phải nói lời chia tay với những giám đốc cấp cao của mình như Lars Rasmussen, người sáng tạo ra Google Maps và Google Wave, như Omar Hamoui, người sáng lập ra “con ngỗng vàng” AdMob đồng thời là phó chủ tịch phụ trách mảng di động… Đến nay đã có khoảng 142 nhân viên của Facebook là những người cũ của Google.
Phải thừa nhận, sự xơ cứng sẽ xuất hiện trong quá trình phát triển của tất cả những công ty trên con đường trở thành… khổng lồ hay đã khổng lồ nhưng ở thung lũng Silicon, nơi các công ty công nghệ ra đời nhiều như nấm mỗi ngày và phát triển với tốc độ của Internet, nơi sự sáng tạo là máu và những nhân viên tài năng là động lực phát triển thì sự xơ cứng này là rất khó chấp nhận. Đây cũng chính là “cửa ải” mà nhiều gã khổng lồ trước Google không thể vượt qua. Có điều, người ta cũng phát hiện ra một quy luật là ở thung lũng Silicon, những ý tưởng sáng tạo mới thường được ra đời cùng với sự ra đi của một nhân viên tài năng nào đó.
“Khoảng cách từ quy mô đến sự xơ cứng là rất ngắn”, Daniel H. Pink, một chuyên gia nghiên cứu về vấn đề lao động nói, “Và bạn cần phải luôn sẵn sàng đối phó với những cuộc lật đổ đến từ những gã lập nghiệp trong gara”. Nhưng đến tận bây giờ, ông Eric Schmidt, Tổng giám đốc Google vẫn khẳng định việc Google phải đối mặt với nạn chảy máu chất xám là điều “sai lầm cơ bản” vì trong suốt 7 năm qua, tỷ lệ nhân viên cam kết ở lại hãng vẫn được duy trì khá ổn định. Tuy nhiên, ông tổng giám đốc này thừa nhận: “Thời chỉ cần 3 người của Google cũng có thể cho ra đời một sản phẩm đẳng cấp thế giới đã trôi qua. Mọi thứ đang khó khăn hơn với Google và có lẽ đó là vấn đề nằm trong chiến lược của chúng tôi”.
Để cưỡng lại trào lưu này, Google đang tỏ ra rất quyết tâm giữ lại những nhân viên của mình, đặc biệt là những người đang ấp ủ tham vọng tách ra để thành lập công ty riêng. Theo chính sách mới, bất kỳ nhân viên nào trong hãng muốn thành lập công ty, họ có thể đề nghị Google hỗ trợ và khởi nghiệp ngay bên trong Google. Các công ty này có thể tự tuyển dụng nhân viên hoặc sử dụng chính nhân viên của Google, các nguồn lực khác như thư viện mã, hệ thống máy chủ, hạ tầng kỹ thuật…