[Góc hoài niệm] - OnePlus One: Chiếc điện thoại làm nên danh tiếng "kẻ hủy diệt flagship"

OnePlus One là chiếc điện thoại trong mơ, giấc mơ của Pete Lau và Carl Pei. Cặp đôi này gặp nhau ở OPPO và rủ nhau bỏ việc để lập công ty của riêng họ dựa trên ý tưởng về sự giản đơn và chất lượng, câu thần chú "never settle" đã trở thành một phần của tuyên bố sứ mệnh của công ty từ những ngày đầu.

(Never settle có đại ý là không bao giờ đứng yên một chỗ, không bao giờ hài lòng, luôn cải tiến, đổi mới).

Trước khi hoài niệm về chiếc điện thoại, chúng ta sẽ tìm hiểu một cách ngắn gọn về các sáng lập của OnePlus để hiểu về con đường của họ. Pete Lau làm việc tại OPPO với tư cách Phó Chủ tịch, ông là người có công đưa CyanogenMod lên chiếc OPPO N1. Trong khi đó Carl Pei được Meizu thuê sau khi trang web ông làm cho các fan Meizu trở nên nổi tiếng. Sau đó, Pei bỏ Meizu để sang làm cho OPPO.

Cặp đôi này bỏ việc tại OPPO để cùng nhau thành lập OnePlus vào giữa tháng 12/2013. Họ dự kiến phát hành sản phẩm đầu tiên của mình trong khoảng thời gian chưa đầy một năm sau đó.

OnePlus One

Nói một cách công bằng, phần cứng của chiếc OnePlus chủ yếu dựa vào OPPO Find 7a, một "flagship killer" của công ty mà họ từng làm việc. Tuy nhiên, OnePlus đã lên kế hoạch một cách tỉ mỉ để làm sao điện thoại của họ thành công và có những fan hâm mộ cuồng nhiệt. Họ tạo ra một chiếc điện thoại làm hài lòng những người có chung chí hướng.

Để cắt giảm chi phí, OnePlus quyết định bán sản phẩm đầu tay của mình theo hình thức trực tuyến. Điều này giúp họ tránh phải giao dịch với các cửa hàng truyền thống và nhà mạng. Ban đầu, OnePlus dự định chỉ sản xuất và bán 50.000 chiếc và cần một hệ thống mời người mua.

Để quảng bá, OnePlus đã triển khai một số chiến dịch truyền thông và đa phần là gây tranh cãi. Trong chiến dịch mang tên "Smash the Past", OnePlus hứa sẽ gửi giấy mời và áp dụng giá ưu đãi chỉ 1 USD cho 100 người đầu tiên quay video đập vỡ điện thoại của họ. Chiến dịch này mau chóng nhận về rất nhiều ý kiến phản đối buộc OnePlus phải thay đổi thành tặng lại điện thoại cho người khác. Sau này, chiến dịch "Ladies First" thậm chí còn tệ hơn nữa.

OnePlus One với câu thần chú "Never settle"

OnePlus One chính thức ra mắt vào đầu năm 2014 với mức giá 300 USD cho phiên bản 3GB RAM và 16GB lưu trữ, 350 USD cho phiên bản 3/64GB. Để so sánh, hồi đó Google bán chiếc Nexus 5 với giá 350 USD cho bản 16GB và 400 USD cho bản 32GB. Rõ ràng là smartphone của OnePlus có giá hợp lý hơn nhiều.

Hơn nữa, OnePlus One có màn hình 5.5 inch 1080p, lớn hơn màn hình 5 inch 1080p của Nexus 5. One cũng có thêm 1GB RAM và pin lớn hơn để tăng thời lượng pin lên gấp đôi. Ngoài ra, cảm biến Sony IMX214 của One cung cấp khả năng chụp ảnh tĩnh có độ phân giải cao hơn (13MP) và video (2160p) so với Nexus. Con chip Snapdragon 801 trên One cũng là một trong những con chip nhanh nhất thời bấy giờ, một phiên bản được ép xung của Snapdragon 800.

Lúc ấy, Galaxy S5 là smartphone cao cấp nhất của Samsung và là một trong những flagship mà OnePlus muốn "trừ khử". Sản phẩm của Samsung tự hào với một số lợi thế về màn hình (tấm nền Super AMOLED 5.1 inch 1080p), camera (16MP, 2160p) và thời lượng pin cùng các tính năng nâng cao như khả năng chống nước và sạc không dây. Tuy nhiên, mức giá khởi điểm của Galaxy S5 là 650 USD cho bản 16GB.

OnePlus One là thiết bị có vẻ đẹp riêng

Nhưng lợi thế của Samsung và LG (hãng sản xuất Nexus 5) đó là họ có lịch sử sản xuất điện thoại lâu đời và đã giành được sự tin tưởng của người dùng. Trong khi đó, OnePlus là một công ty vô danh và khách hàng sẽ phải trả 300 USD cho một chiếc điện thoại mà họ không được dùng thử trước khi đặt hàng.

Để làm được điều này, OnePlus cần một bước nhảy vọt về niềm tin từ người tiêu dùng. OnePlus đã hành động đúng, họ đã xây dựng một cộng đồng trực tuyến mạnh mẽ từ đó tạo ra doanh số cao dù không đủ kinh phí để marketing ở những nơi mà Apple và Samsung thường làm.

Thay vì 50.000 chiếc theo kế hoạch ban đầu, tính tới cuối năm 2014, OnePlus đã bán được gần 1 triệu chiếc OnePlus One. Nhưng không phải tất cả đều thuận buồm xuôi gió.

OnePlus One rất cá tính

Mối quan hệ của Lau với CyanogenMod đã dẫn tới quyết định ra mắt OnePlus One với Cyanogen OS, phiên bản thương mại của ROM tùy chỉnh này. Cyanogen OS hứa hẹn cung cấp trải nghiệm Android thuần túy nhất với mức độ tùy biến cao.

Tuy nhiên, tới lúc ra mắt điện thoại tại Ấn Độ, Cyanogen đã thông báo với OnePlus rằng họ có một thỏa thuận độc quyền với Yu, thương hiệu smartphone của Micromax. Do vậy, một tòa án tại Ấn Độ đã đình chỉ việc bán điện thoại OnePlus tại thị trường này.

Sự cố này thúc đẩy OnePlus tự phát triển một bản ROM cho riêng mình. Đầu năm 2015, OxygenOS cho thị trường toàn cầu và HydrogenOS cho thị trường Trung Quốc được OnePlus tung ra dưới dạng ROM có thể cài đặt. Phải mất một khoảng thời gian ngắn sau đó hai bản ROM trên mới có thể hoạt động ổn định.

"Quả báo" cũng tới sớm với Cyanogen Inc. Do ảnh hưởng của vụ OnePlus, các hãng khác đã dần dần không còn mặn mà với việc ký hợp đồng sử dụng Cyanogen OS.

Cận cảnh camera và mặt lưng của OnePlus One bản denim

Bên cạnh các bản ROM tự phát triển, OnePlus One cũng có thể cài đặt các ROM của bên thứ ba. Thiết bị này thậm chí còn có cả bản MIUI chính thức, có cả các bản mod Jolla và Ubuntu (mặc dù hai bản này không được phát triển xa hơn). Và tất nhiên là nó cũng có bản ROM CyanogenMod.

Sau này khi mọi thứ được sắp xếp lại, CyanogenMod đã biến mất và nhường chỗ cho LineageOS.

Bất chấp mức giá rẻ, OnePlus vẫn nuôi tham vọng làm cho chiếc điện thoại của mình toát lên vẻ cao cấp. Dự án StyleSwap của OnePlus được ra đời với hứa hẹn tạo ra những mẫu vỏ bằng tre, vải denim và Kevlar cho OnePlus One. Cuối cùng, phiên bản vỏ bằng tre không bao giờ trở thành hiện thực.

Không quá lời khi nói OnePlus One đã thành công rực rỡ. Trong năm đầu tiên ra mắt thị trường nó đã bán được 1,5 triệu chiếc. Quan trọng hơn, nó đã làm nên danh tiếng "kẻ hủy diệt flagship" cho OnePlus. Năm 2019, OnePlus đã lọt vào top 5 hãng hàng đầu trong phân khúc smartphone cao cấp.

Thứ Sáu, 21/10/2022 15:34
51 👨 1.745
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Chuyện công nghệ