Các nhà khoa học Mỹ vừa phát hiện ra cách thức mới để kéo dài thời lượng pin sử dụng trên các thiết bị điện tử thêm gấp 3 lần so với hiện nay, bằng cách sử dụng cát biển.
Theo đó, các nhà khoa học của trường Đại học California (Mỹ) và Đại học Kỹ thuật Bourns (bang California, Mỹ) vừa phát hiện một cách thức mới để kéo dài thời lượng sử dụng pin trên các thiết bị điện tử, bao gồm smartphone và máy tính bảng, bằng cách sử dụng cát biển để thay cho than chì sử dụng trên cực dương của các loại pin lithium-ion đang được sử dụng hiện nay.
Giải pháp mới không chỉ giúp kéo dài thời lượng pin mà còn thân thiện với môi trường và giảm chi phí sản xuất
Ý tưởng bắt đầu khi các nhà khoa học nhận thấy cát biển có chứa rất nhiều thạch anh. Sau đó, các nhà khoa học áp dụng công nghệ nano để tinh chế cát giàu thạch anh, rồi thêm một vài nguyên liệu rẻ tiền khác như muối và magie để tạo ra hỗn hợp mới. Hỗn hợp này sau đó được nung nóng ở nhiệt độ cao để tạo ra silicon tinh khiết. Các nhà khoa học cho biết loại silicon được tạo ra này rất xốp và được xem là “chìa khóa” để cải thiện hiệu suất của pin lithium.
Sử dụng loại silicon tạo ra từ cát biển này để thay thế cho than chì trên cực dương của pin lithium có thể tăng gấp 3 lần mật độ năng lượng so với thông thường, điều này sẽ góp phần kéo dài thời lượng pin sử dụng lên thêm 3 lần.
Không chỉ giúp kéo dài thời lượng pin so với trước, giải pháp này còn giảm chi phí sản xuất pin, đặc biệt là không độc hại và thân thiện với môi trường.
Giải pháp này không chỉ áp dụng trên những pin lithium sử dụng cho các thiết bị di động như smartphone hay máy tính bảng... mà còn áp dụng cho các thiết bị điện tử sử dụng pin lithium khác như xe điện...
Tuy nhiên, hiện tại giải pháp của các nhà khoa học đưa ra vẫn chỉ đang dừng lại ở phòng thí nghiệm. Hiện có khá nhiều các giải pháp được đưa ra để cải thiện hiệu suất hoặc thay thế pin lithium nhưng hầu như chưa có giải pháp nào được áp dụng vào thực tế, vì những hạn chế trong quá trình áp dụng rộng rãi với số lượng lớn.